Vì sao Hà Nội cấp sổ đỏ quá chậm?

Cập nhật 24/10/2013 09:23

Tổng kết cho thấy, qua 9 tháng đầu năm,  toàn thành phố Hà Nội mới chỉ cấp được 41.441 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), bằng 48% kế hoạch năm 2013. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Theo kết quả rà soát, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 130.745 thửa đất với diện tích 4,991ha, gồm đất ở đô thị chiếm 33.894 thửa đất, diện tích là 684ha; dất ở nông thôn là 96.851 thửa đất với diện tích là 4,307ha còn tồn đọng, chưa cấp giấy chứng nhận.

Nguồn gốc đất đai phức tạp, Chủ đầu tư chậm trễ

Rà soát cho thấy, các trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận tại Hà Nội có nhiều nguyên nhân, trong đó, đối với các khu dân cư, có những thửa có nguồn gốc sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền… hiện còn có tranh chấp, khiếu kiện. Nhiều thửa đất nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng, vi phạm luật đất đai đã bị toà án quyết định xử lý hoặc kháng nghị của Viện Kiểm sát, kết luận của Thanh tra các cấp kiến nghị thu hồi nhưng đến nay chưa xử lý được… nên các quận, huyện còn để lại chưa giải quyết cấp Giấy chứng nhận.

Đối với các dự án phát triển nhà ở, mặc dù UBND Thành phố đã yêu cầu các Chủ đầu tư dự án khu nhà ở, khu đô thị mới báo cáo tình hình cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà, các khó khăn vướng mắc và đề xuất giải quyết, tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 46 báo cáo của Chủ đầu tư có đủ số liệu theo yêu cầu để tổng hợp.

“Trong số 223 dự án dã được Thành phố giao đất, với 216.580 căn chung cư và thấp tầng thì hiện còn trên 80.000 căn chưa cấp Giấy chứng nhận do vướng mắc và do Chủ đầu tư chưa lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận; 104.430 căn đang xây dựng” – Phó Chủ tịch UBND Vũ Hồng Khanh cho biết.

Đặc biệt, có tới 80.350 căn do Chủ đầu tư chưa lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận cho thời gian triển khai của nhiều dự án còn kéo dài; tình trạng vi phạm của Chủ đầu tư diễn ra khá phổ biến như vi phạm về quy hoạch, thiết kế xây dựng đã được duyệt; chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng và bán nhà nên không đủ căn cứ để cấp Giấy chứng nhận; Chủ đầu tư được Thành phố giao đất xây dựng nhà chung cư được miễn nộp tiền sử dụng đất (trước Luật Đất đai 2003) nhưng khi bán căn hộ, trong giá bán vẫn bao gồm cả giá trị tiền sử dụng đất mà không nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Có Chủ đầu tư thu tiền của người mua căn hộ khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận trái quy định của pháp luật…

Rà soát cũng cho thấy, nhiều Chủ đầu tư còn chậm trễ trong việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà hoặc chưa muốn làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận do tình trạng mua đi, bán lại nhà đất và bên mua chưa nộp đủ giấy tờ.

Một thực trạng đáng lưu ý là việc tồn trọng. chưa giải quyết cấp Giấy chứng nhận còn do thời điểm hiện tại, phần lớn các dự án còn dở dang, nhiều trường hợp Hợp đồng mua bán nhà giữa Chủ đầu tư và các hộ dân còn chưa thực hiện xong.


Ảnh minh họa

Đề nghị sửa hàng loạt Nghị định

Hà Nội hiện đang bị “mang tiếng” là một trong những đơn vị có tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thấp nhất trên cả nước. Sau khi có thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra rằng Hà Nội có tới hàng trăm ngàn căn nhà, đất chưa được cấp “sổ đỏ”, hồi tháng 7 vừa qua, lãnh đạo Thành phố đã phải chỉ đạo xác minh thực hư thông tin này, còn trong một số cuộc họp, lãnh đạo Thành phố cũng phân bua rằng, nguồn gốc và thực trạng nhiều thửa đất ở Hà Nội rất phức tạp, không đơn giản như ở các địa phương khác.

Trong khi đó, để “minh oan” cho Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển khi trả lời VnMedia cũng đã nói rằng, “nhìn vào con số để kết luận Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm nhất là không chính xác bởi việc cấp Giấy chứng nhận cho các thửa đất nông nghiệp được hai địa phương này làm tốt, vấn đề là tồn đọng nhiều căn hộ chung cư hoặc ở các khu đô thị mới.”

“Hiện nay, UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện và thị xã phân loại các trường hợp để thanh tra, xử lý theo quy định của pháp luật trước khi cấp Giấy chứng nhận. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật thì lập hồ sơ quản lý và không đưa các trường hợp này vào chỉ tiêu các trường hợp cần cấp Giấy chứng nhận” - Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết.

Đặc biệt, ngày 21/10, UBND Thành phố đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ xem xét, bổ sung sửa đổi một số quy định như: Sửa đổi Nghị định số 120/2010/NĐ-CP và thống nhất sửa đổi khoản 3, Điều 4 của Nghị định 84; bổ sung quy định trường hợp được giao đất trái thẩm quyền… thay thế khoản 3, Điều 8 Nghị định 198; sửa đổi Điều 11 khoản 2 Điều 12 của Nghị định 84; tiết a, mục 1, khoản 8 Điều 1 Nghị định 121/2010/NĐ-CP…

DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia