Đã 3 năm qua, dự án cầu Rạch Miễu 2 vẫn 'đóng băng' vì chưa quyết được việc chọn vốn BOT, ODA hay vốn công để thực hiện.
Mô hình cầu Rạch Miễu 2
Người dân các tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau rất ngao ngán vì nạn kẹt xe ở cầu Rạch Miễu trên quốc lộ 60, chờ ngày mở rộng cầu Rạch Miễu hoặc xây cầu Rạch Miễu 2. Tuy nhiên, đã 3 năm qua, dự án này vẫn "đóng băng" vì chưa quyết được việc chọn vốn BOT, ODA hay vốn công để thực hiện.
Làm việc với tỉnh Bến Tre vào tháng 6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý giao Bộ GTVT nghiên cứu lập báo cáo đề xuất đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Từ đây, Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 thuê đơn vị tư vấn thiết kế Dasan (Hàn Quốc) lập báo cáo nghiên cứu dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2, sau khi được Hiệp hội Nhà thầu quốc tế Hàn Quốc (ICAK) cam kết hỗ trợ vốn không hoàn lại để lập dự án.
Tháng 6-2017, Dasan hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2, trong đó đề xuất đầu tư dự án từ nguồn vốn ODA (vay vốn nước ngoài) khoảng 226,9 triệu USD.
Không thể BOT vì đã quá nhiều BOT
Tuy nhiên, tháng 8-2017 Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức xã hội hóa. Vì vậy, Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 7 nghiên cứu các phương án đầu tư theo hình thức PPP (Nhà nước và tư nhân hợp tác), trong đó tính toán đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao).
Thế nhưng, việc xã hội hóa đầu tư cầu Rạch Miễu 2 lại không dễ thực hiện. UBND tỉnh đã kêu gọi Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu và một số nhà đầu tư khác thực hiện dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức BOT nhưng tất cả đều từ chối vì phương án tài chính không hấp dẫn.
Ông Nguyễn Chung Khánh - tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 - cho rằng việc đầu tư theo hình thức BOT rất khó thực hiện vì tuyến quốc lộ 60 hiện đã có ba dự án đầu tư theo hình thức này. Vì vậy việc lập thêm trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu 2 là không khả thi.
Lối ra từ vốn công?
Tháng 1-2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật báo cáo Thủ tướng xin chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 từ xã hội hóa sang kêu gọi vay vốn ODA.
Thế nhưng, không đầy 5 tháng sau, Bộ GTVT lại từ bỏ đề xuất đầu tư cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức ODA. Ngày 7-6-2019, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kiến nghị Thủ tướng cho phép đầu tư dự án này bằng nguồn vốn đầu tư công trong nước.
Bởi vì sau khi làm việc với các bộ, ngành và địa phương (Bến Tre và Tiền Giang) đều thống nhất chủ trương phương án đầu tư bằng nguồn vốn trong nước để đảm bảo tính chủ động trong việc bố trí vốn, triển khai dự án, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đáp ứng nhu cầu cấp bách.
Cũng trong văn bản trên, bộ trưởng Bộ GTVT cho biết nếu triển khai theo hình thức vay ODA nói chung và vay vốn ODA của Hàn Quốc nói riêng sẽ kéo dài thời gian xây dựng cầu Rạch Miễu 2 khoảng 2-3 năm so với đầu tư vốn ngân sách. Do vậy sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp thiết giải quyết ngay tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay ở cầu Rạch Miễu.
Từ đây, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép bố trí khoảng 20 tỉ đồng để triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư. Đồng thời kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí vốn cho dự án từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để khởi công dự án cầu Rạch Miễu 2 trong năm 2021 và hoàn thành năm 2024.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ