Bất chấp quy định phân hạng nhà chung cư khá rõ ràng, nhiều chủ đầu tư vẫn tự phong mác dự án cao cấp cho nhà ở chỉ đạt chuẩn hạng trung cấp, thậm chí bình dân để nâng giá bán, trục lợi.
Chung cư Hinode City quảng cáo bán hàng là cao cấp nhưng xây dựng sai phép, bị xử phạt - ẢNH: LÊ QUÂN
Chủ đầu tư “treo đầu dê bán thịt chó”
Đơn cử, dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (tên thương mại là Hinode City) ở 201 Minh Khai, P.Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội do Tổng công ty CP thương mại xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư đã tự phong, gắn mác chung cư cao cấp dù chưa đăng ký, chưa được cơ quan chức năng công nhận là chung cư hạng A. Chưa kể, tháng 9.2019, dự án này còn bị UBND Q.Hai Bà Trưng xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng đối với hành vi “tổ chức thi công xây dựng sai giấy phép xây dựng”…
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2020, không có dự án nào ở TP.HCM có giá bán nhà chung cư dưới 25 triệu đồng/m2, tức là không có nhà bình dân. Đây cũng là hệ quả của tình trạng tự phong, gắn mác nhà ở trung cấp, cao cấp dù chất lượng, tiêu chí nếu soi chiếu vào quy định thì chỉ đạt mức độ bình dân hoặc trung cấp là cùng. Điều này khiến người dân phải trả tiền cao để mua chất lượng thấp, là bất cập của cơ chế chính sách.
Một trường hợp khác chưa được công nhận nhưng vẫn tự phong hạng sang, cao cấp ngay từ khi xây dựng là dự án Grandeur Palace - Giảng Võ, Q.Ba Đình, Hà Nội của chủ đầu tư Văn Phú - Invest. Vì gắn mác nên giá căn hộ này không dưới 60 triệu đồng/m2 từ khi xây dựng, mở bán trong khi dự án này có mật độ xây dựng hơn 48%, cao hơn tiêu chuẩn về mật độ xây dựng của chung cư hạng A là 45%...
Tương tự, cư dân chung cư từng được quảng cáo là cao cấp, hạng “6 sao” Hòa Bình Green City ở 505 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội đã không ít lần xuống đường căng băng rôn đòi sổ đỏ, hoặc than về chất lượng nước sinh hoạt bẩn. Hay dự án D’Capitale ở đường Trần Duy Hưng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội của chủ đầu tư Tân Hoàng Minh được biết đến với thương hiệu chỉ làm nhà cao cấp, hạng sang. Dự án này cũng chịu tai tiếng về “treo đầu dê bán thịt chó” khi quảng cáo là dự án hạng A nhưng lại bị phạt vì xây dựng sai giấy phép được cấp; hành lang chỉ rộng hơn 1,4 m (tiêu chuẩn chung cư hạng A tối thiểu rộng 1,8 m). Dự án Goldmark City ở 136 Hồ Tùng Mậu, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội của chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại - quảng cáo - xây dựng - địa ốc Việt Hân thuộc Công ty CP đầu tư TNG Holdings Việt Nam cũng tự phong cao cấp ngay từ khi xây dựng. Tuy nhiên, xét tiêu chí thang máy cho căn hộ chung cư của một số tòa nhà trong dự án không đạt so với chuẩn cao cấp của Bộ Xây dựng...
Muốn làm dự án cao cấp, phải đăng ký trước
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), quy định phân hạng nhà chung cư chưa mang tính bắt buộc là đáng lo ngại. Cần bắt buộc các chủ đầu tư đăng ký xây dựng dự án đạt chất lượng hạng cao cấp, trung cấp hay bình dân. Nếu có quy định cứng đăng ký làm dự án hạng nào thì sẽ có thêm căn cứ để xác định được mức thuế phải đóng của dự án, xác định mức phí dịch vụ quản lý vận hành, giá bán nhà…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, lại cho rằng chỉ cần đưa ra tiêu chí xếp hạng 1 loại nhà chung cư cao cấp hoặc các thuật ngữ tương đương như hạng sang, siêu sang… Còn đối với loại nhà chung cư không phải là cao cấp thì không cần đưa ra tiêu chí phân loại, tránh phức tạp, cứ để thị trường, người mua nhà tự nhìn nhận. “Việc phân hạng phải đăng ký trước, cam kết thực hiện theo đúng tiêu chuẩn để khi huy động vốn, bán nhà thì người mua mới biết được đấy là sản phẩm cao cấp hay không phải cao cấp. Chủ đầu tư lừa dối khách hàng chủ yếu ở giai đoạn đang xây dự án, bán căn hộ. Nên quy định phân hạng nhà chung cư sau khi đã bàn giao, đưa vào sử dụng là thiếu thực tế, hình thức”, ông Châu nói và cho rằng cũng cần phải kiểm soát chặt quá trình xây dựng để tránh tình trạng chủ đầu tư làm sai, tự hạ thấp tiêu chuẩn cao cấp để giảm giá thành, trục lợi.
DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên