Với nghị định mới, mức phạt các hành vi vi phạm chuyển nhượng đất sẽ tăng nhiều lần. Ảnh: HTD |
Nâng mức phạt tối đa từ 30 triệu lên 500 triệu đồng.
Ngày 11-11, Chính phủ ban hành Nghị định 105, có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (thay thế cho Nghị định 182/2004). So với Nghị định 182, mức phạt tiền của Nghị định 105 tăng lên khá nhiều.
Mức phạt tối đa tăng gần 20 lần
Nghị định 182 quy định 16 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, mức phạt cho một hành vi tối thiểu 100 ngàn đồng, tối đa 30 triệu đồng. Còn Nghị định 105 quy định 17 hành vi vi phạm, trong đó bỏ, sửa đổi một số hành vi cũ và bổ sung một số hành vi mới. Mức phạt tối thiểu được nâng lên 200 ngàn đồng và tối đa 500 triệu đồng.
Ngoài việc tiếp tục xử phạt hành vi chuyển nhượng đất không đủ điều kiện, Nghị định 105 xem hành vi nhận chuyển quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện theo quy định cũng là vi phạm. Theo Điều 14 của nghị định, hộ gia đình, cá nhân vi phạm điều này bị phạt 1-5 triệu đồng (đất ở nông thôn) hoặc 2-10 triệu đồng (đất đô thị). Còn tổ chức và cơ sở tôn giáo nhận chuyển quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện bị phạt 5-500 triệu đồng tùy theo mức độ hậu quả.
Đáng lưu ý, Nghị định 105 không nêu rõ khái niệm “không đủ điều kiện”, nghĩa là chưa rõ đất không đủ điều kiện chuyển nhượng hay tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện nhận. Theo quy định tại Điều 16 Luật Đất đai, người sử dụng đất được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện: Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất không có tranh chấp; quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; trong thời hạn sử dụng đất (đây cũng là bốn điều kiện để đất được chuyển nhượng). Các điều kiện trên không đề cập đến quy định về bên nhận chuyển nhượng. Do đó, có thể hiểu Điều 14 Nghị định 105 là bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bị xem là vi phạm khi quyền sử dụng đất ấy không đủ điều kiện theo Điều 106 Luật Đất đai?
Chậm thực hiện dự án: Cũng phạt
Đây là lần đầu tiên hành vi chậm đưa đất vào sử dụng bị đưa vào Nghị định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 20). Theo đó, phạt từ 500 ngàn đến hai triệu đồng đối với hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm quá 12 tháng liền, không sử dụng đất trồng cây lâu năm quá 18 tháng, không sử dụng đất trồng rừng quá 24 tháng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền. Dự án đầu tư chậm sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm so với tiến độ được duyệt bị phạt 2-10 triệu đồng.
Theo Điều 38 Luật Đất đai 2003, hành vi chậm đưa đất vào sử dụng như trên sẽ bị thu hồi đất. Nhưng trên thực tế, hầu như chưa có trường hợp nào bị chế tài. Ngoài ra, hành vi chậm hoặc không cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, cản trở việc thanh tra, kiểm tra bị xử phạt từ 200 ngàn đến 20 triệu đồng (Điều 21). Hành vi cung cấp dữ liệu đất đai không đúng quy định bị phạt tới 50 triệu đồng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (Điều 24).
Nghị định 105 quy định khung phạt tiền của một hành vi tùy theo mức độ hậu quả. Theo đó, có bốn mức độ và mỗi mức độ có mức phạt khác nhau từ thấp tới cao. Cách tính mức độ hậu quả là quy đổi diện tích đất vi phạm ra tiền theo đơn giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành vào thời điểm vi phạm (xem bảng).
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP