Theo TS. Trần Du Lịch, cốt lõi của đô thị sáng tạo thông minh vẫn là thể chế...
Sau chuyến tham quan khu sáng tạo – đổi mới của thành phố Alanta và thung lũng Silicon Valley, nơi có tổng hành dinh của Facebook và Google tại Mỹ, TS. Trần Du Lịch chia sẻ: “Để có một khu đô thị thông minh sáng tạo cần 3 yếu tố là thể chế - công nghệ - con người nhưng suy cho cùng, con người và công nghệ cũng bắt nguồn từ thể chế mà ra. Vấn đề cốt lõi vẫn là thể chế, thể chế và thể chế".
Một góc khu Đông TP. HCM
Về xây dựng đô thị thông minh sáng tạo ở khu Đông, thật ra ý tưởng này không mới, nó đã xuất hiện cách đây gần 20 năm. Lãnh đạo TP. HCM là những người có tầm nhìn xa nhưng họ lại không thể biến ý tưởng thành hiện thực, mỗi ngày làm càng chậm và càng khó, TS. Trần Du Lịch chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế TP. HCM năm 2018 vừa tổ chức.
Ông Lịch đánh giá, TP. HCM cũng có khu công nghệ cao và vườn ươm sáng tạo nhưng lại “ươm” không ra mầm. Việt Nam và TP. HCM biết phải làm gì để có một đô thị thông minh – sáng tạo nhưng không làm được.
"Chủ tịch TP. HCM có quyền quyết định gì với khu Đông? Bởi nếu một đô thị không có quyền tự quyết thì không thể trở thành một thành phố thông minh và sáng tạo. Thử hỏi, cái gì cũng đi xin làm sao sáng tạo được?
Để xây dựng nên một thành phố thông minh sáng tạo cần nhiều yếu tố nhưng Chính phủ nhất định phải quan tâm hơn – tạo cơ chế tự chủ cho khu Đông và TP. HCM hơn để cư dân ở đó có không gian sáng tạo”, ông Lịch nhìn nhận.
Cách đây 20 năm đã có dự thảo về khu đô thị khoa học – công nghệ cao, lấy trường Đại học Quốc gia tại Thủ Đức làm trung tâm, các nhà khoa học sẽ có môi trường sống lãng mạn quanh sông Đồng Nai. Theo đó, nền tảng của khu đô thị thông sáng tạo chính là Đại học Quốc gia TP. HCM.
TS. Trần Du Lịch cho rằng: “Khi nào các trường đại học chưa thể tự mình sáng tạo ra những sản phẩm - công nghệ thiết thực phục vụ đời sống, khi đó sẽ không có khu đô thị thông minh sáng tạo.
Để có thể thúc đẩy sự sáng tạo trong các trường đại học, Nhà nước cần thay đổi phương thức đầu tư: tài trợ đầu ra chứ không phải đầu vào. Anh sáng tạo cái gì, nhà nước mua cái đó, chứ không phải cứ đầu tư đầu vào cuối cùng chẳng tạo ra được thứ gì hữu ích”.
Đồng quan điểm với TS. Trần Du Lịch, GS. Kyosuke Nagata - Hiệu trưởng Đại học Tsukuba (Nhật Bản) cũng nhấn mạnh vai trò cốt lõi của chính quyền và các trường đại học:
“Nói đến Thành phố khoa học Tsukuba là nói đến toàn bộ khu vực thành phố bao gồm hai quận chính quận nghiên cứu và giáo dục là quận được thiết kế và phát triển tổng thể kết hợp các tổ chức nghiên cứu và giáo dục với khu nhà ở và cơ sở công cộng nói chung.
Là kết quả của việc di dời và thành lập mới, Tsukuba có ít nhất gần 30% các viện nghiên cứu công lập của Nhật Bản cũng như nhiều viện nghiên cứu tư nhân trong các khu công nghiệp R&D xunh quanh. Hiện hơn 300 tổ chức nghiên cứu công lập, tư nhân và các công ty đa dạng đang tích cực tham gia vào các hoạt động tương ứng khiến Tsukuba trở nên rất quan trọng đối với Nhật Bản.
Đại học Tsukuba được mô tả như một trường đại học có tầm nhìn mới khi được chuyển từ Tokyo đến Thành phố khoa học Tsukuba năm 1973, tuy nhiên sự ra đời của trường được tính tứ năm 1872 ( Minh Trị 5), lịch sử của trường đồng nghĩa với lịch sử của thành phố khoa học này.
Trường phát triển phương pháp tiếp cận liên ngành đối với nghiên cứu và giáo dục, thúc đẩy quốc tế hóa, với đầy đủ các ngành như khoa học tự nhiên, nhân văn và khoa học xã hội, y học, thiết kế, nghệ thuật, khoa học thể thao, thư viện thông tin học… những ngành thường không có ở các trường đại học khác.
Chính điều này đã biến Tsukuba trở thành đại học xuyên biên giới, thu hút hơn 3.000 sinh viên quốc tế theo học, trong đó có rất nhiều sinh viên Việt Nam. Tổng số sinh viên cao học, đại học khoảng 17.000 người, trong đó có 1/5, 1/6 là sinh viên quốc tế.
Có thể nói, cốt lõi của đô thị sáng tạo chính là trường đại học, nơi thúc đẩy nghiên cứu liên ngành để phục vụ xã hội. Nhật Bản đang phải đối diện với các vấn đề nghiêm trọng như giảm tỷ lệ sinh nhanh, xã hội lão hóa và hoạch định chính sách năng lượng của Chính phủ… Khoa học công nghệ giữ vai trò cốt lõi có thể đưa ra giải pháp cho những vấn đề này, để tạo ra liên minh giữa học thuật và ngành công nghiệp, luôn tự đổi mới”.Bà Pekka Sundman, Giám đốc Tập đoàn phát triển thành phố Turku (Phần Lan) cũng chia sẻ tầm nhìn mới của chính quyền Phần Lan đang mang lại sự thu hút mạnh mẽ cho Thành phố khoa học Turku: “Turku gồm 11 thành phố với 330.000 dân và 25.000 công ty. Chúng tôi may mắn có cơ cấu kinh doanh đa năng, với các ngành chính là hàng hải, được phẩm, chẩn đoán, sản xuất xe hơi, công nghiệp thực phẩm, xây dựng và du lịch.
5 trường đại học và 40.000 sinh viên sống trong thành phố đã tạo ra nền tảng vững chắc cho việc phát triển khoa học và kinh doanh của Turku, dựa trên tri thức và công nghệ cao.
Năm 2014, thành phố xác định chiến lược mới trở thành thành phố thú vị nhất quanh Biển Bắc Baltic vào năm 2029 khi Turku kỷ niệm 800 năm thành lập, trở thành thành phố trung tính về cacbon, tạo ra nền kinh tế khép kín tăng trưởng nhưng không sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Tổ chức hàng loạt hội thảo để làm sao biến chiến lược thành hiện thực, xác định tầm nhìn “Là thành phố châu Âu hấp dẫn với các trường đại học và nền văn hóa đang mạnh dạn đổi mới bản thân”.
Chiến lược đã biến thành câu chuyện thú vị về một Turku thông minh và thông thái, trong đó Công viên khoa học Turku là trung tâm đổi mới quan trọng với 5 trường đại học, trở thành ốc đảo đạt được sự thoải mái 24 giờ cho các cư dân và dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một phần tự nhiên của cuộc sống.
Đồng thời đây cũng là nơi tiết kiệm năng lượng nhất của thành phố phát triển tập trung vào chất lượng cao với giải pháp công nghệ thành phố thông minh và bền vững”.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt