Trên thực tế một chuỗi đô thị phía tây Hà Nội đã và đang được hình thành, đây đang là một trung tâm đô thị mới giao thoa giữa Hà Nội - Hà Tây.
Đô thị tiến về phía Tây
Rõ ràng các nhà quy hoạch đã có ý đồ kéo những nét trục giao thông từ Hà Nội thẳng về Hà Tây. Điều này đã khiến ranh giới giữa hai tỉnh được xoá nhoà dần . Người ta khó phân biệt nếu đang chạy trên đường Nguyễn Trãi của Hà Nội bước sang địa phận Hà Tây mà không cảm thấy một ranh giới khác biệt nào ngoại trừ nếu là người ưa quan sát mới thấy tấm biển "Hà Tây kính chào quý khách".
Cũng vậy, trục đường Láng-Hoà Lạc được tiếp mạch từ Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng kéo dài đến tận thị trấn Xuân Mai (Hà Tây) đã trở thành đường trục trung tâm của chuỗi đô thị phía tây. Đây là đoạn đường cao tốc 10 làn xe, có quy mô lớn nhất VN, vốn đầu tư vừa được điều chỉnh lên hơn 7.000 tỉ đồng, được xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng như điện, nước, cáp quang... đi kèm.
Ngoài ra từ trục đường Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt của Hà Nội, sẽ tiếp nối bởi hệ đường trục xuyên Hà Tây, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá về phía Tây. Mới đây Chính phủ cũng đã phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng hai tuyến đường trục của Hà Tây cùng với việc quy hoạch các khu đô thị hai bên đường trục một cách bài bản, tiêu chuẩn .
Bên cạnh hệ thống đường giao thông được tiếp nối một cách liền mạch, hệ thống các trung tâm hành chính quốc gia năm trên trục đường Láng-Hoà Lạc phần đất HN đã được quy hoạch bài bản cũng được tiếp nối bằng hàng loạt khu đô thị tiêu chuẩn, hệ thống các trường đại học, khu công nghệ cao, các trung tâm du lịch sinh thái có quy mô lớn, nằm trong quy hoạch tổng thể tạo thành một chuỗi đô thị liên hoàn, một trung tâm hành chính thương mại hiện đại.
Theo các chuyên gia, Hà Tây đang được đô thị hoá một cách chuyên nghiệp nên khả năng hình thành một đô thị đẹp, hiện đại, hợp lý trong liên vùng khác hẳn với đô thị lộn xộn của Hà Nội hiện nay.
Chỉ đơn cử một việc xây dựng trục đường Láng-Hoà Lạc, Vinaconex - nhà thầu thi công - đã kết hợp đầu tư nhà máy nước sông Đà 600.000m3/ ngày đêm đủ sức cung cấp cho toàn bộ chuỗi đô thị trong tương lai và một phần Hà Nội. Chính vì được lắp đặt đường ống ngay khi thi công đường nên vốn đầu tư cũng giảm so với làm riêng lẻ từng dự án. Việc thực hiện đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị ngay từ đầu sẽ giúp cho việc vận hành đô thị dễ dàng và hiệu quả, tạo giá trị sống bền vững cho cư dân đô thị.
Động lực phát triển khả thi
Các dự án đô thị làm thay đổi bộ mặt Hà Tây phần lớn không được cơ cấu từ nguồn ngân sách mà bằng phương thức xã hội hoá theo hình thức B.O.T hoặc B.T nên tính khả thi cũng như thời gian thực hiện được đánh giá cao.
Điểm mặt các khu đô thị dọc theo trục đường Láng-Hoà Lạc có thể thấy khu Bắc An Khánh với diện tích hơn 260ha do Vinaconex liên doanh với Posco E&C ( Hàn Quốc) được xem là khu đô thị đẹp nhất Châu Á với vốn đầu tư 2 tỉ USD. Khu Nam An Khánh do TCty Sông Đà làm chủ đầu tư cũng là một gương mặt vốn có thế mạnh về phát triển đô thị. Khu đô thị Sơn Đồng của Lilama khoảng 450ha, dự kiến sẽ có hệ thống tàu điện nối kết các đô thi, Khu đô thị Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường với slogan tạo dựng một thành phố thu nhỏ đem lại phong cách đô thị mới...
Mới đây nhất, ngày 25.2 Tập đoàn Tuần Châu đã khởi công khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu - Hà Tây với tổng diện tích 254ha vốn đầu tư 5000 tỉ đồng tạo dựng một không gian sống hiện đại bền vững cho người dân.
Với nguồn vốn xã hội hoá được đầu tư theo một quy hoạch bài bản ngay từ đầu, hy vọng chuỗi đô thị phía tây sẽ trở thành trung tâm mới của thủ đô trong tương lai không xa.