Bộ Kế hoạch - đầu tư vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét, quyết định Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư dự án xây nhà ga T3 Tân Sơn Nhất để nâng công suất sân bay này lên 50 triệu khách/năm.
Nhà ga T3 là hạng mục chính góp phần nâng cấp công suất Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Kiến nghị được đưa ra sau khi Bộ Kế hoạch - đầu tư hoàn thành thẩm định chủ trương đầu tư dự án trên cơ sở ý kiến của nhiều bộ, ngành và UBND TP.HCM, giải trình, bổ sung của ACV.
Bộ Kế hoạch - đầu tư đồng thuận với mục tiêu dự án là xây dựng nhà ga hành khách (quốc nội) T3 Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ phục vụ khai thác nội địa.
Vốn đầu tư thực hiện dự án khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn góp của ACV. Tiến độ xây dựng dự án 37 tháng từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch - đầu tư nhận định dự kiến tiến độ như trên là khó khả thi vì đự án phải thực hiện các công việc: thi tuyển kiến trúc; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng…
Bộ Kế hoạch - đầu tư đề nghị ACV rà soát, tính toán cụ thể điều chỉnh phù hợp thực tế và chịu trách nhiệm việc dự kiến tiến độ thực hiện, bảo đảm hiệu quả đầu tư và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án nhà ga T3 sau khi thực hiện rà soát là 10.990 tỉ đồng (giảm 440 tỉ đồng so với đề xuất ban đầu) và được huy động từ vốn góp của ACV.
Báo cáo tài chính năm 2018 được kiểm toán của ACV cho thấy doanh nghiệp này có nguồn vốn chủ sở hữu là 30.7490 tỉ đồng, nợ phải trả 22.770 tỉ đồng, tài sản dài hạn 22.260 tỉ đồng. Như vậy, tại thời điểm cuối năm 2018, ACV có khả năng huy động vốn dài hạn để đầu tư dự án nhà ga T3 tối đa khoảng 23.640 tỉ đồng, bảo đảm khả năng huy động vốn để đầu tư dự án.
Về việc ACV đang đề nghị thực hiện đầu tư một số hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ACV giải trình: giai đoạn 2019 - 2025 khả năng tích lũy của ACV là 108.100 tỉ đồng, trừ chi phí và khấu hao tài sản, lợi nhuận là 45.370 tỉ đồng.
Bên cạnh đó ACV có sẵn tiền mặt tại thời điểm 31-12-2018 là 24.360 tỉ đồng. Trong khi đó tổng chi đầu tư các sân bay đang khai thác kể cả việc đầu tư nhà ga T3 là 71.360 tỉ đồng.
Bộ Kế hoạch - đầu tư nhận định sau khi trừ chi phí đầu tư 71.360 tỉ đồng nói trên, ACV vẫn có khả năng bố trí 36.738 tỉ đồng để thực hiện đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (dự kiến ACV bỏ ra 36.607 tỉ đồng). Do vậy, khả năng huy động nguồn vốn của ACV được bảo đảm.
Theo hồ sơ dự án được ACV giải trình, quy mô dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là 20 triệu khách/năm gồm các hạng mục chính: nhà ga T3 có 3 tầng với tổng diện tích 110.000 m2; mở rộng sân đỗ máy bay 4.670 m2; hệ thống kỹ thuật các trạm cấp điện, nước, nhà cơ điện, nhà xử lỷ nước thải, trạm trung chuyển chất rắn; nhà để xe cao tầng và khu dịch vụ hàng không 13 tầng (3 tàng hầm, 10 tầng nổi), diện tích 130.000 m2; sân đường nội bộ, bãi để xe (đường trên cao, đường nội bộ, bãi đỗ xe); hệ thống giao thông kết nối giữa nhà ga T3 với nhà ga T1, T2.
Khu đất 16,05 ha dự kiến xây dựng nhà ga T3 đã được Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng việc thống nhất bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải để triển khai xây dựng.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ