Trị 'bệnh' chậm giải ngân vốn

Cập nhật 04/12/2018 09:56

“Sử dụng thật hiệu quả nguồn lực từ ngân sách. Năm 2019 dứt khoát không để tình trạng giải ngân chậm, nếu nơi nào nhắm làm không nổi thì xin giảm chỉ tiêu, để tiền đó ta làm việc khác” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo quyết liệt như trên tại hội nghị Thành ủy lần thứ 22 mới đây, trước tình trạng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều quận huyện, sở ngành còn quá thấp.

Ông Nhân yêu cầu kiểm điểm việc chậm giải ngân các dự án đầu tư công trong thời gian qua.

Do vướng giải phóng mặt bằng?

Trả lời câu hỏi về việc vốn dư, trong khi nhiều công trình bị ách tắc, ông Nguyễn Văn Toàn - trưởng phòng kế hoạch đầu tư Sở GTVT - cho biết các dự án chậm giải ngân vốn chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng.

Riêng với dự án đường bộ, 48 dự án đều bị vướng do giải phóng mặt bằng chậm.

Nút giao thông Mỹ Thủy, Q.2, TP.HCM thi công chậm tiến độ gây nhiều bức xúc cho người dân. Ảnh nhỏ: Dự án Lương Định Của, Q.2, TP.HCM (đoạn từ đường Trần Não đến đường Mai Chí Thọ) thi công ì ạch, vật tư ngổn ngang, nước tù đọng - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong 15 dự án được duyệt từ năm 2016 đến nay, mới chỉ có dự án xây dựng cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, Gò Vấp) đang đền bù giải tỏa. Các dự án còn lại đã ban hành thông báo thu hồi đất và đang trình phê duyệt giá.

Còn năm 2015, có 7 dự án được duyệt thì mới chỉ 2 dự án đang tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng. Các dự án còn lại đang dừng ở bước phê duyệt giá bồi thường.

"Về thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng, theo quy định từ khi có thông báo thu hồi đất đến khi duyệt giá là 195 ngày. Tuy nhiên, đa số các dự án có giải phóng mặt bằng đều chậm và kéo dài trung bình 400 - 500 ngày" - ông Toàn phân tích.

Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước - cho biết căn cứ quy trình trong đầu tư xây dựng cơ bản, đến ngày 31-10 hằng năm thường là phê duyệt dự án và tới tháng 12 hoặc đầu năm kế tiếp mới được bố trí vốn.

Khi được bố trí vốn phải mất 3-4 tháng để triển khai công tác chuẩn bị khác, đến khi nhà thầu thi công thì mới giải ngân vốn. Chính các thủ tục trên cũng làm chậm quá trình giải ngân vốn.

Ông Kiều Bình Chung - bí thư Quận ủy Tân Bình - phân tích: Nguyên nhân chủ yếu là do quy trình đền bù giải phóng mặt bằng hiện phức tạp, tốn nhiều thời gian. Thẩm định duyệt giá phải qua hai giai đoạn, sau đó mới công bố cho dân.

"Giai đoạn này kéo dài rất lâu, ở Tân Bình có dự án phải mất 2-3 năm cho khâu này. Dân không thể chờ đợi mình được vì giá đất thị trường biến động liên tục. Đến khi ra được giá đền bù thì người dân không chịu nữa. Muốn sửa quy trình này buộc phải sửa từ bên trên chứ quận không có thẩm quyền" - ông Chung giải thích.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

Có 2 cơ quan chưa tiêu một đồng nào!

Theo Bộ Tài chính, hiện có 13 bộ, ngành có tỉ lệ giải ngân thấp hơn 30%, như Bộ KH-ĐT (28,5%), Viện Khoa học công nghệ VN (12,9%), Bộ Y tế (10,5%), Liên minh Hợp tác xã VN (4,95%)...

Đặc biệt, có 2 cơ quan chưa tiêu được một đồng vốn đầu tư nào trong 11 tháng qua là Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật VN và Tổng công ty Thuốc lá.

Riêng vốn đầu tư nước ngoài, bộ cũng lo ngại khi tỉ lệ giải ngân vốn rất chậm, mới đạt hơn 38% kế hoạch. Nguyên nhân giải ngân vốn chậm có nhiều, từ cơ chế cho đến giao kế hoạch vốn chưa phù hợp và các vướng mắc từ phía dự án.

Nhưng nguyên nhân chính vẫn là do một số bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư chưa chủ động và quyết liệt trong việc triển khai kế hoạch. Chủ đầu tư chậm hoàn thiện việc lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn đơn vị thi công...

Trong khi đó, theo quy định, kế hoạch giao vốn của năm chỉ thanh toán cho khối lượng được nghiệm thu đến ngày 31-12. 


Siết trách nhiệm chủ đầu tư

Liệu có biện pháp nào để xử lý chuyện giải ngân chậm này không? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng cần xây dựng quy định, quy chế phối hợp về trình tự thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Để giải quyết những vướng mắc trên, ông Toàn cho rằng cần thực hiện theo nguyên tắc cụ thể rõ các bước, thời gian từng giai đoạn, trách nhiệm từng cơ quan, địa phương, chủ đầu tư.

Bà Phan Thị Thắng - giám đốc Sở Tài chính - cho biết thường đầu năm các đơn vị đều muốn được có nhiều vốn, nhưng trong năm khả năng dùng vốn đó mỗi nơi mỗi khác. Nguyên nhân chậm tùy từng nhóm công trình, trong đó có một phần do chủ quan và nhiều yếu tố khách quan.

Hiện TP.HCM không giao vốn chung một lần cho cấp quận huyện, sở ngành, đơn vị mà giao vốn cho từng công trình theo nhu cầu.

Vậy liệu có cắt vốn trong năm sau đối với các địa phương, đơn vị chậm giải ngân trong năm trước? Bà Thắng cho rằng các công trình phải có sự chuyển tiếp, nếu đột ngột dừng cấp vốn sẽ ảnh hưởng tiến độ và nhu cầu dân sinh.

"Nếu TP thấy dự án nào đó làm chậm, quyết định cắt vốn để chuyển cho công trình khác cũng là một giải pháp, nhưng cũng phải tính đến chuyện nếu cắt ngang vốn thì công trình sẽ dở dang. Cho nên nếu chủ đầu tư cố gắng đẩy nhanh được tiến độ vẫn là tốt nhất", bà Thắng nói.

Về giải pháp, bà Thắng cho rằng chủ đầu tư là người quản lý, quán xuyến dự án thì phải nắm chắc, tính toán kỹ để xác định rõ nhu cầu vốn, khả năng giải ngân vốn trong từng giai đoạn như thế nào, khâu nào cần làm trước.

Hơn ai hết họ phải biết mình cần vốn để làm cái gì trước, tránh tình trạng đầu năm "xí" vốn cho nhiều rồi cuối năm xài không hết phải trả lại.

Một nhánh của cầu vượt Nguyễn Thái Sơn (đoạn trên đường Nguyễn Kiệm, Gò Vấp, TP.HCM) bị đình trệ thời gian dài nay mới thi công trở lại - Ảnh: TUYẾT KIỀU

Ngoài ra để giải quyết các vướng mắc trong khâu giải tỏa, đền bù, tái định cư cho các dự án, TP cũng đã xin cơ chế đặc thù nhằm rút ngắn quy trình này.

Cụ thể, cuối tháng 11-2018, UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành, quận huyện rút ngắn thời gian các khâu trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật).

Thực tế cho thấy giải tỏa, đền bù, tái định cư là một trong những điểm nghẽn làm ảnh hưởng tiến độ các dự án nhiều nhất.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm


Ông Trần Vĩnh Tuyến (phó chủ tịch UBND TP.HCM):
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan do công tác bồi thường khó. Ví dụ như dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang phải ngưng bồi thường để chờ trung ương có quyết định chấp thuận tăng mức đầu tư rồi mới tiếp tục bồi thường.

Hoặc một số đơn vị làm thủ tục triển khai dự án chậm nên khi ứng vốn ra làm thì chưa sử dụng nên chậm tiến độ...

Mặt khác, tiến độ giải ngân vốn do không có lộ trình đều đặn theo các quý. Thường quý 1 ghi vốn nhưng không làm được, đến quý 2 trở đi mới tăng tốc và thường thì đến cuối năm các đơn vị "chạy đua" giải ngân để có tiền trả cho nhà đầu tư.

Trước mắt, để giải quyết vướng mắc, người đứng đầu các đơn vị phải chịu trách nhiệm rà soát, triển khai nhanh thủ tục giải ngân.



Ông Hà Ngọc Trường (phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM):

Cần có sự đồng thuận của người dân

Phần lớn công trình giao thông thiết yếu tại TP.HCM đang gặp phải vấn đề ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng, trong khi nguồn vốn ngân sách cũng đã giải ngân cho TP.HCM.

Nếu cứ để kéo dài thực trạng chậm trễ, số vốn trên có thể phải trả lại cho vốn ngân sách nhà nước. Do đó, TP.HCM phải lưu ý giải quyết rốt ráo, đảm bảo công trình hoàn thành đúng thời hạn.

Muốn như vậy, cơ quan chức năng liên quan cần xem xét thật kỹ mỗi công trình vướng vấn đề gì, vướng giải phóng mặt bằng ra sao, người dân mong muốn điều gì... Từ đó mới có thể đưa ra cách giải quyết phù hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo TTO