Quy định cho phép tách thửa từng loại đất nhằm tạo thuận lợi cho người dân nhưng đã bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng để trục lợi.
Bảng cảnh báo người dân khi tìm hiểu, mua đất nền của UBND phường Thạnh Xuân (quận 12). Ảnh: Q.HUY
Một số đối tượng lợi dụng kẽ hở quy định cho phép tách thửa đối với từng loại đất, trong đó có đất nông nghiệp, để vẽ dự án ma tự phân lô, bán nền trái phép tràn lan. Thời gian gần đây, nhiều người dân đã phải tiền mất tật mang vì mua phải dạng dự án này.
Tự vẽ dự án trên đất quy hoạch
Công an TP.HCM đang xử lý đơn của nhiều người dân tố cáo về hành vi lừa đảo của Công ty Hoàng Thành do ông Nguyễn Văn T. làm giám đốc.
Dù biết rõ khu đất là đất nông nghiệp nhưng công ty trên vẫn đóng cọc, làm trụ điện, treo bảng dự án tại đường Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Ngoài ra, theo phản ánh của người mua, cùng một lô đất nhưng công ty này lại bán cho rất nhiều người. Hiện có hàng chục người dân khốn khổ vì đóng tiền tỉ nhưng không mua được đất.
Một trường hợp khác, theo phản ánh của nhiều khách hàng, từ cuối năm 2018 đến tháng 8-2019, ông Đặng Tiến Trường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần King Home Land, đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với họ tại dự án King Home 2, quận 12. Khi quá hạn bàn giao nền đất, khách hàng đến công ty thì vị tổng giám đốc này không tiếp. Cuối năm 2019, Công ty King Home Land gỡ bảng hiệu, đóng cửa trụ sở.
Anh Dương Trí Huân, một khách hàng, bức xúc cho biết đã đóng 90% giá trị lô đất, số tiền hơn 717 triệu đồng. “Khi tôi và hàng chục người kéo đến công ty yêu cầu bàn giao đất hoặc trả lại tiền thì công ty này đóng cửa. Chúng tôi làm đơn tố cáo tới cơ quan công an. Bây giờ thì tổng giám đốc King Home Land đã bị tạm giam để điều tra” - anh Huân nói.
Qua rà soát, phường Thạnh Xuân (quận 12) nhận thấy tại thửa đất King Home Land rao bán chưa được giải quyết tách thửa hoặc lập dự án nhà ở nào do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Vì vậy, để không trở thành nạn nhân hoặc vô tình tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần đề cao cảnh giác, tra soát thông tin kỹ trước khi mua đất.
“Trường hợp phát hiện hoặc là nạn nhân của các vụ việc tương tự, người dân hãy liên hệ cơ quan công an để tố giác” - UBND phường Thạnh Xuân khuyến cáo.
Đề xuất điều chỉnh quy định để bảo vệ người mua
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết mới đây HoREA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đề nghị xem xét, bãi bỏ quy định cho phép tách thửa đối với từng loại đất, không để bị lợi dụng để thực hiện phân lô, bán nền tràn lan, trái pháp luật.
Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 đều không quy định về tách thửa đất nông nghiệp hoặc tách thửa các loại đất khác không phải là đất ở. Thế nhưng khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017 của Chính phủ đã bổ sung Điều 43d vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Theo đó, UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
“Quy định này có thể hiểu là cho phép tách thửa đối với cả đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất phi nông nghiệp… Từ đó dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp bất lương lợi dụng quy định chưa chặt chẽ để tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị” - ông Châu nhận định.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định trên vì không phù hợp với Luật Đất đai, có thể dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, khó kiểm soát. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương chỉ được phép tách thửa đối với đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị theo quy định của Luật Đất đai 2013.
Bên cạnh đó, Quyết định 60/2017 của UBND TP.HCM cũng bị một số đối tượng xấu lợi dụng. Vì vậy, HoREA gửi kiến nghị sửa đổi quyết định này để hỗ trợ người dân tốt hơn trong việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất.
Quyết định 60 tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện quyền được tách thửa đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật đất đai, phù hợp với quy hoạch.
Tuy nhiên, có tình trạng đầu nậu lợi dụng kẽ hở của quyết định này để tách thửa. Cộng thêm có trường hợp cán bộ địa phương tiếp tay trong việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở, sau đó thực hiện tách thửa, phân lô. Từ đó dẫn đến tình trạng phân lô tràn lan, băm nát bộ mặt đô thị, hình thành các khu dân cư không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ và tiện ích.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM cho biết sở đã tiếp nhận văn bản góp ý về Quyết định 60. Trên cơ sở đó, sở đã có báo cáo tham mưu gửi UBND TP.HCM ban hành quyết định thay thế Quyết định 60 trong thời gian tới.
Quyết định 60/2017 của UBND TP.HCM ban hành dựa trên Nghị định 01 của Chính phủ. Tuy nhiên, Quyết định 60 có bất cập bởi cho phép tách thửa đối với đất dân cư xây dựng mới, đất chỉnh trang đô thị. Các địa phương rất khó thực hiện bởi trong luật Đất đai không quy định hai loại đất này, mà luật lại là cơ sở pháp lý cao nhất.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO