Trả đất vàng cho Nhà nước: Bài toán khó hậu thu hồi

Cập nhật 12/04/2020 10:07

LS Trương Anh Tú cho biết, giải quyết bài toán hậu thu hồi các mảnh đất vàng rất khó, phải làm sao để không tạo ra sai sót mới.

Tổng Công ty Đường sắt phải thu hồi hai lô đất vàng được doanh nghiệp này đem đi góp vốn ngoài ngành dù đã hết thời hạn cho thuê

Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thu hồi hai lô đất vàng ở số 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu về cho Nhà nước.

Theo kết luận thanh tra ban hành năm 2016, hai lô đất trên được Nhà nước cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thuê và hết hạn từ năm 1996. Tuy nhiên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn góp vốn bằng quyền sử dụng hai lô đất trên với Công ty TNHH Hà Thành để thành lập Công ty TNHH khách sạn thương mại Sài Gòn.

Thanh tra Chính phủ xác định Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.

Ở một vụ việc khác, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ VH-TT-DL thu hồi cổ phần đã bán cho Tổng Công ty Vận tải thủy (VIVASO) tại Hãng phim truyện Việt Nam.

Theo đó, 2 lô đất 5.443m2 tại số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, và 1.208m2 đất số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM sẽ được trả về cho Hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục sử dụng.

Bên cạnh đó, các lô đất khác 904m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám (TP Hà Nội) và 6.382m2 đất ở Đông Anh (TP Hà Nội) cũng sẽ quay về với chủ cũ là Hãng phim truyện Việt Nam.

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ thu hồi, trả lại đất các lô đất vốn là "của công" nhưng đã bị hô biến thành "của ông" trong thời gian qua.

Trao đổi với Đất Việt, LS Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc như hợp tác kinh doanh, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước về mặt hình thức nhưng thực chất đằng sau là sự thôn tính đất đai của Nhà nước với giá rẻ mạt. Cũng chính vì lẽ nãy mà các doanh nghiệp rất hào hứng vào cuộc, trong số đó có rất nhiều trường hợp xác định, tính toán giá trị đất không phù hợp với các quy định của pháp luật dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước.

"Nếu trong quá trình bán đấu giá, hợp tác kinh doanh hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà tính toán giá trị các tài sản là bất động sản một cách sai trái thì trong qua trình xử lý vi phạm, Nhà nước tiến hành thu hồi lại là đúng đắn", LS Trương Anh Tú khẳng định.

Tuy nhiên, vị luật sư cũng lưu ý, để tránh những điều tiếng mà người dân nghi ngại đặt ra trong thời gian qua, đó là động thái đó đơn thuần để sửa sai, xử lý các vi phạm pháp luật hay nhặt đầu này để đắp vào đầu khác, lấy của đơn vị này chuyển qua tay đơn vị khác thì việc này cần được thực hiện trên diện rộng để tài sản của Nhà nước được thu hồi, đảm bảo công bằng chung, và luật pháp được thực thi một cách nghiêm minh.

Chủ tịch Công ty TAT Law Firm cho biết, trong những năm qua, tài sản Nhà nước bị thất thoát không nhỏ, đặc biệt là đất đai do nhiều nơi quản lý, sử dụng không hiệu quả, lãng phí, gây thất thu ngân sách nhà nước.

"Cho đến bây giờ khó ai có thể trả lời được tài sản Nhà nước đã bị thất thoát bao nhiêu, nhưng ai cũng biết số tài sản bị thất thoát ấy rất lớn, thậm chí khó tưởng tượng nổi.

Vụ án Vũ nhôm là một vụ án tham nhũng về đất đai điển hình được đưa ra xét xử trong thời gian qua. Chỉ riêng tại Đà Nẵng, Vũ nhôm đã thâu tóm đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu nhà nước không qua đấu giá, trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng. Thử hỏi trên cả nước, tài sản Nhà nước bị thất thoát bao nhiêu?", LS Trương Anh Tú đặt câu hỏi và thừa nhận là rất khó.

"Đương nhiên nhà đầu tư khi đã đầu tư vào phải đảm bảo quyền lợi của họ, nhưng nếu nhà đầu tư lại có hành vi sai trái, cấu kết hoặc hối lộ thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc thu hồi, trả lại tiền cho nhà đầu tư sẽ có một quá trình đàm phán, làm việc giữa các bên, nếu không thể tìm được tiếng nói chung thì còn có tòa án để giải quyết", vị luật sư cho hay và dẫn trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam làm ví dụ.

Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Theo đó, tại phương án cổ phần hóa và chuyển Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam thành công ty cổ phần nêu rõ phương án sử dụng đất gồm toàn bộ diện tích tại số 6 Thái Văn Lung và số 4 Thụy Khuê khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc thực hiện các quy định về quản lý sử dụng đất chưa đúng quy định của Luật đất đai.

Vì thế, Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các quy trình, thủ tục nhằm thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư - Tổng Công ty Vận tải thủy.

Trường hợp Tổng Công ty Vận tải thủy không chấp hành thì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện kết luận thanh tra.

Vị luật sư đặc biệt nhấn mạnh đến quá trình hậu sửa sai, người dân sẽ phải tiếp tục giám sát, theo dõi để không xảy ra sai sót mới.

"Hy vọng chúng ta sẽ làm một cách triệt để, dài lâu, ở nhiều địa phương, nhiều ngành và lĩnh vực, không riêng một vài trường hợp.

Còn những tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm, Nhà nước sẽ xem xét giải quyết, từ chế tài hành chính đến xử lý hình sự, tùy từng trường hợp. Nếu sai đương nhiên phải xử lý, xử lý mức nào thì quá trình thanh kiểm tra hoặc điều tra sẽ làm rõ", LS Trương Anh Tú cho biết.

DiaOcOnline.vn – Theo Báo đất việt