124 dự án bất động sản bị thanh tra, kiểm tra đã gây tâm lý bất an cho chủ đầu tư và người tiêu dùng. Sau khi vấn đề được lãnh đạo TPHCM “tháo gỡ” thì đại diện HoREA cho rằng nên công khai danh sách các dự án.
Trong hội thảo Doanh nghiệp Việt ra biển lớn tổ chức hôm qua (2/4), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, hiệp hội này đã đề nghị công khai danh sách 124 dự án bất động sản được “tháo gỡ” để tiếp tục vận hành. Điều này nhằm giúp người tiêu dùng có niềm tin, chủ đầu tư yên tâm.
Hàng trăm dự án bất động sản tại TPHCM đã được “gỡ vướng” sau thời gian dài chờ đợi.
Công khai danh sách các dự án là điều nên làm sau khi UBND TPHCM đã giao sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ngành thông báo đến chủ đầu tư của 124 dự án bất động sản đang bị tạm ngưng về việc được tiếp tục triển khai các thủ tục tiếp theo.
Hiện nay, tùy mức độ hoàn thiện hồ sơ nên 124 dự án không chỉ nằm ở Sở Tài nguyên và Môi trường mà còn nằm ở nhiều Sở khác như Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc…
“Chúng tôi cũng đề nghị lực lượng chức năng sớm có kết luận đối với hàng chục dự án bất động sản còn lại đang bị kiểm tra, thanh tra để các chủ đầu và khách hàng yên tâm”, ông Châu nói.
Một dự án bất động sản tại quận 7 bị “ách tắc”
Theo ông Châu, trong quá trình thanh, kiểm tra các dự án thì HoREA đề nghị chia ra làm 3 nhóm chính để có phương án xử lý phù hợp.
Cụ thể, nhóm 1 bao gồm các dự án cơ bản đã thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì giải tỏa ngay để doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án thực hiện.
Nhóm 2 bao gồm các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở mức độ không lớn thì yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung đối với Nhà nước, không để thất thoát tài sản công.
Nhóm 3 bao gồm các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì tách riêng để xử lý theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, số dự án lọt vào nhóm 3 là rất ít.
Hội thảo Doanh nghiệp Việt ra biển lớn tổ chức tại TPHCM vào ngày 2/4
Chủ tịch HoREA nhận định, trong năm 2019 thì tình hình thị trường bất động sản tại TPHCM tiếp tục gặp khó khăn bởi một dự án bị ngưng trệ thì sẽ lãi “chồng” lãi, chi phí quản lý tăng lên, cơ hội kinh doanh bị mất.
Nguồn cung bất động sản trên thị trường sụt giảm là điều rõ ràng, cụ thể, trong 3 tháng đầu năm thì số dự án đã giảm khoảng 63% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Hoàng Châu cũng đề nghị, thị trường đang cần có nhiều quỹ đầu tư cho bất động sản, bởi hiện nay chỉ có duy nhất 1 quỹ đầu tư bất động sản trong nước là TCREIT. Thế nhưng, quỹ đầu tư bất động sản này chỉ có vỏn vẹn 50 tỷ đồng, như vậy là quá ít. Trong khi đó, nếu một quỹ đầu tư dành cho bất động sản thì ít nhất cũng phải có 500 tỷ đồng mới đáp ứng được phần nào nhu cầu về vốn.
Chính vì vậy, chính quyền các cấp cũng cần tạo điều kiện để phát triển quỹ đầu tư bất động sản.
Chia sẻ về chủ đề “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” thì ông Châu cho rằng, các doanh nghiệp Việt chủ yếu là đang từng bước vươn ra biển lớn chứ chưa phải đã ra biển lớn. Bởi đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài còn rất thấp.
Doanh nghiệp muốn trở thành những con tàu lớn thì cũng cần phải xác định được tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình
Trong khi sản phẩm trong nước như cà phê, tiêu, cao su… có sản lượng cao hàng đầu thế giới nhưng khi đưa ra nước ngoài thì lại có tỉ suất lợi nhuận rất thấp không mang lại được nhiều hiệu quả kinh tế.
“Chúng tôi mong Việt Nam cũng có những tập đoàn bất động sản hàng đầu để vươn ra tầm Châu Á và thế giới. Muốn có những doanh nghiệp khổng lồ như vậy thì cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Chúng ta không thể ra biển lớn với những chiếc thuyền thúng hay ghe cào được, mà chúng ta cần phải có tàu lớn. Và doanh nghiệp muốn trở thành những con tàu lớn thì cũng cần phải xác định được tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mình”, ông Châu nói.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí