TPHCM: Nghịch lý “giãn” dân nhưng... tăng cao ốc

Cập nhật 14/04/2010 10:10

Định hướng quy hoạch của TPHCM là giảm dần dân quận trung tâm để chống ùn tắc. Nhưng nghịch lý là chính TP lại cấp phép xây nhiều cao ốc ở khu trung tâm, góp phần tăng… dân, tăng ùn tắc.


Cao ốc xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực trung tâm TPHCM.

“Giãn” dân nhưng “dồn” cao ốc

Theo định hướng phát triển đô thị của TPHCM đến năm 2025, khu vực nội thành (gồm 13 quận cũ) có diện tích hơn 14.200 ha sẽ được kiểm soát dân số, giữ ở mức 4 - 4,5 triệu người (hiện tại có khoảng 4 triệu người), “giãn” dần dân ra ngoại thành.

Khu trung tâm được định hướng là chỉnh trang cải tạo, giảm mật độ xây dựng, nâng tầm cao trung bình… để cải tạo bộ mặt TP. Để đạt mục tiêu này, TPHCM khuyến khích xây dựng các cao ốc, cao 9 - 12 tầng hoặc hơn để nâng cao hệ số sử dụng đất và hạn chế phát triển dân cư sinh sống trong các cao ốc.

Thực tế là định hướng này được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, “dồn” các cao ốc vào trung tâm TP. Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM thì trong khoảng 5 năm gần đây có 130 dự án phát triển nhà ở được phê duyệt thì có đến 63 dự án được xây dựng ở khu nội thành.

Điều này cho thấy tính hấp dẫn của khu vực nội thành. Nhưng cũng chính Sở Xây dựng nhận định: “Việc phát triển theo nhu cầu sẽ dẫn đến việc tăng dân số cục bộ của khu vực và cũng sẽ gây ra áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng chung của TPHCM”.

Bởi một lẽ đơn giản, khi chủ đầu tư cải tạo khu dân cư thấp tầng hiện hữu thành cao ốc hầu hết đều chuyển mục đích sử dụng thành khu thương mại, dịch vụ, văn phòng chứ ít khi đáp ứng nhu cầu ở. Do vậy, dân cư ở khu vực trung tâm thực sự giảm nhưng số người làm việc tại khu vực này hàng ngày lại tăng cao.

Tình trạng này dẫn đến hiện tượng “sáng vào, chiều ra”. Tức là, buổi sáng, dòng xe từ các khu vực ngoại thành đổ dồn về khu trung tâm để làm việc, học tập, sinh hoạt, giải trí… Đến chiều, dòng xe này lại chuyển hướng từ trung tâm tản ra ngoại thành.

Bài toán giao thông vẫn nan giải

Sự phát triển thiên lệch trên khiến các tuyến đường khu vực ít phát huy tác dụng. Trong khi đó, các tuyến đường trục như Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai, Trường Chinh - Cộng Hòa, Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sĩ, Cách Mạng Tháng 8… trở nên quá tải và kẹt xe hàng ngày.

Đã vậy, giải pháp giao thông đi kèm với định hướng phát triển đô thị theo hướng nâng tầng cao của TPHCM lại dựa hoàn toàn vào sự phát triển của hệ thống vận tải hành khách công cộng (VTHKCC). Theo quy hoạch của TP thì đến năm 2020, hệ thống VTHKCC phải đạt 50% nhu cầu đi lại của người dân TP để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.

Nhưng trong khi định hướng nâng tầng cao phát triển quá tốt thì quy hoạch phát triển VTHKCC quá tệ. Trong một báo cáo gần đây thì ngành giao thông TP chỉ dám hứa là đến năm 2020, VTHKCC đáp ứng khoảng 12 - 13% nhu cầu, chưa bằng 1/3 so với quy hoạch.

Sự phát triển lệch lạc này khiến giao thông TP ngày càng tồi tệ. Đến nỗi, năm vừa qua ngành giao thông TP đề xuất phải đánh giá tác động giao thông khi các nhà đầu tư xin xây dựng cao ốc trong khu trung tâm. Kế tiếp, ngành này lại xin TPHCM cho phép cấm cấp phép kinh doanh một số ngành trên hơn 100 đoạn đường, rồi thu phí để hạn chế xe cá nhân…

Trong một hội nghị khoa học về thực trạng kiến trúc ở TPHCM, nhiều kiến trúc sư và chuyên gia xây dựng cũng đề nghị ngưng cho phép xây dựng cao ốc ở khu vực trung tâm TPHCM trước khi tìm ra được giải pháp tổ chức tốt giao thông ở đây.

Tuy nhiên, đề nghị này vẫn chưa được xem xét, chủ trương của TP vẫn là nâng tầng cao, cao ốc vẫn dồn về trung tâm. Còn ngành giao thông vẫn luẩn quẩn trong bài toán đất và tiền đâu để phát triển hạ tầng giao thông. Rồi lại chỉ có thể đề xuất những giải pháp dạng như cấm và hạn chế…

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí