Trước đề xuất mở đường tạm dưới dạ cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, phía UBND quận 9 đang tiến hành khảo sát thực trạng khu vực dạ cầu.
Dạ cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được rào chắn bởi hàng rào lưới. Tuy nhiên, một số đoạn đã bị phá bỏ để làm lối đi - Ảnh: ĐÀO TRANG
Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận cho TP sử dụng đường dưới dạ cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ đường Võ Chí Công đến Nguyễn Duy Trinh để làm đường tạm. Sở GTVT: Để giảm ùn tắc
Sở GTVT TP.HCM lý giải: Hiện nay tỉ lệ đất dành cho giao thông ở TP.HCM rất thấp, chỉ đạt 9,19%, mật độ đường giao thông đạt 2,09 km/km². Hiện việc đầu tư hạ tầng giao thông theo đúng quy hoạch đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí. Trong khi đó, trên địa bàn TP có ba tuyến đường cao tốc đi qua, hai tuyến đã được đưa vào khai thác và một tuyến dự kiến khai thác vào cuối năm 2020. Phần lớn đường cao tốc đi trên cầu cạn nên phần đất bên dưới vẫn chưa được khai thác hiệu quả để phục vụ cho giao thông đô thị.
Trước thực trạng trên, để kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông tại địa phương, Sở GTVT đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ GTVT. Trong đó, sở đề xuất Bộ GTVT xem xét, chấp thuận cho phép TP sử dụng đường dưới dạ cầu (đường công vụ trong quá trình thi công) của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ đường Võ Chí Công đến Nguyễn Duy Trinh) làm nơi đỗ xe để đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh của TP và làm đường giao thông tạm, nhằm giảm áp lực giao thông ở đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ vòng xoay Phú Hữu đến đường 990.
Sau khi được chấp thuận, Sở GTVT sẽ làm việc với đơn vị chủ quản, đưa ra từng phương án cụ thể. Sở sẽ chịu trách nhiệm việc tổ chức sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đậu xe tạm thời. Đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và điều kiện thuận lợi cho đơn vị kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa cầu theo quy định.
Không nên cho xe container đi dưới dạ cầu
Theo ghi nhận của PV, tại dạ cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ Võ Chí Công đến Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu, quận 9) dài khoảng 2 km, đoạn đường này song song với đường Nguyễn Duy Trinh, nối liền tới cảng Phú Hữu. Tại đoạn dạ cầu được Sở GTVT đề xuất xây dựng làm đường tạm, cỏ mọc um tùm, được bảo vệ bởi hàng rào lưới B40. Tuy nhiên, nhiều đoạn hàng rào đã bị phá bỏ để làm lối đi lại. Thậm chí có những đoạn dạ cầu được người dân tôn nền đất lên cao để sử dụng.
Đường Nguyễn Duy Trinh có mặt bằng rộng khoảng 7-9 m, đoạn từ Võ Chí Công đến Khu công nghiệp (KCN) Phú Hữu chỉ dài khoảng 1,7 km, song lượng xe container ra vào nườm nượp. Đây là tuyến đường chính kết nối vào KCN và đường vào cụm cảng Phú Hữu. Nơi đây thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn, trong thời gian dài con đường này luôn đứng đầu danh sách điểm đen tai nạn giao thông. Cụ thể, chỉ trong ba năm qua đã có 20 người chết vì tai nạn ở đây.
Theo ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu, lưu lượng xe lưu thông trên đường này đã quá cao, vượt ngưỡng 1.500 lượt xe container và xe tải lớn mỗi ngày. Ban đầu đường Nguyễn Duy Trinh chủ yếu làm đường dân sinh cho người trong dân khu vực nhưng sau khi mở cảng Phú Hữu thì có quy hoạch mở rộng 7-9 m lên 30 m. Tuy nhiên, đến nay con đường này vẫn chưa được mở rộng nên luôn trong tình trạng quá tải. Từ một tuyến đường dân sinh trở thành đường vào một khu cảng, KCN khiến đường xuống cấp, không đảm bảo an toàn giao thông.
Trước đề xuất mở đường tạm dưới dạ cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, phía UBND quận 9 đang tiến hành khảo sát thực trạng khu vực dạ cầu. Tuy nhiên, theo ông Trí, dạ cầu cao tốc này chỉ nên để cho các phương tiện nhỏ lưu thông để giảm tình trạng kẹt xe, quá tải cho đường Nguyễn Duy Trinh. Nếu để xe container, xe tải lớn di chuyển dưới dạ cầu sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của đường cao tốc. Giải pháp tốt nhất là TP.HCM vẫn nên xây dựng một tuyến đường riêng cho xe container và xe tải để đảm bảo an toàn giao thông, tránh tình trạng ùn tắc.
Đồng tình, anh Nguyễn Văn Hoàng (quận 9) cho biết nếu có thể mở một tuyến đường kết nối với đường Nguyễn Duy Trinh để giảm tải cho xe container và xe máy sẽ rất tốt. Xe máy và ô tô không còn phải đi chung làn với xe container. Người dân cũng không phải đối mặt với nguy hiểm, tai nạn rình rập mỗi ngày.
Anh Dương Hồng Hải, một tài xế xe container, cho biết mỗi lần về khu cảng Phú Hữu, Cát Lái là nỗi ám ảnh của giới tài xế bởi khu vực này thường xuyên kẹt. Mỗi lần vào cảng lấy hàng, ít nhất anh cũng mất khoảng 3 giờ, có khi mất tới 8 giờ nếu bị kẹt xe. Nói về đề xuất mở tuyến đường tạm dưới dạ cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây của Sở GTVT, anh Hải cho rằng nguyên nhân thường xảy ra kẹt xe, nhiều tai nạn là do đường Nguyễn Duy Trinh quá hẹp. Bên cạnh đó, một phần cũng do cảng không đủ chỗ để các xe container vào lấy hàng nên các xe container luôn phải nằm chờ trên đường. Việc mở thêm một tuyến đường tạm nhưng cảng không giải quyết kịp nhu cầu lấy hàng thì cũng sẽ lâm vào tình cảnh kẹt xe cục bộ. Chưa kể nếu xe container chạy dưới dạ cầu về lâu dài sẽ gây sụp lún nên TP cần xem xét lại nên để phương tiện nào di chuyển dưới dạ cầu này.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO