Tp.HCM khống chế cốt xây dựng là 2,05m

Cập nhật 18/11/2008 16:00

Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2025, đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cốt xây dựng khống chế tại Tp.HCM tối thiểu đạt mức 2,05m so với mặt nước biển tại điểm Hòn Dấu (mốc cốt chuẩn quốc gia).

Đối với đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 có xác định cốt xây dựng, mỗi vùng có cốt khác nhau, như cốt xây dựng vùng Củ Chi khác vùng Nhà Bè...

Ví dụ ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, cốt xây dựng là 2,5m (tính trên nguyên tắc mức khống chế phải từ 2,05m trở lên).

Trong quá trình đô thị hóa nhanh mà chậm ban hành cốt xây dựng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công tác chống ngập. Việc chậm trễ quy hoạch thoát nước, quy hoạch san nền (trong đó có quy định về cốt san nền), quy hoạch vùng thấp, triều dâng... trong khi cứ quy hoạch xây dựng đô thị, xây dựng khu công nghiệp tràn lan là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng trong thời gian dài vừa qua.

Cốt san nền là cao trình của khu đất được phép xây dựng. Muốn dựa vào cốt nào để xây dựng, người dân phải căn cứ vào cốt xây dựng thể hiện trong đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000, gọi là cốt xây dựng.

Cốt chuẩn quốc gia (Hòn Dấu), cốt chuẩn của thành phố, cốt san nền khu vực, cốt xây dựng chi tiết... cốt nào cũng có thể gọi là cao trình. Trong thành phố muốn phát triển mở rộng phải xem bản đồ hiện trạng vùng nào cao hơn 2,05m mới được xây dựng, nếu thấp hơn phải san nền, bơm cát hoặc lấy cát nơi khác đổ lên.

Nhưng đó mới chỉ là cốt chuẩn, hay còn gọi là cốt thấp nhất của Tp.HCM. Muốn thoát nước mưa nhanh, Tp.HCM phải tạo độ dốc bằng những lưu vực thoát nước nên có những vùng phải san nền cao hơn cốt chuẩn có thể vài mét.

Tùy theo độ dài của cống thoát nước, mà cống thoát thì phải đi kèm với hệ thống giao thông, cho nên có con đường dài tới 3km là vì vậy. Từ đầu đường đến cuối đường gần sông rạch hay hố thu gom nước chênh nhau 1-2m. Nhà dân hai bên đường muốn làm nhà đồng bộ với đường chỉ có cách chờ làm đường, cống xong mới xây dựng được.

Cái khó hiện nay là các ngành quản lý đô thị của Tp.HCM lại phân cấp, phối hợp không nhịp nhàng giữa giao thông, xây dựng, điện, nước... với nhau; giữa thành phố với quận huyện; giữa quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với quy hoạch Tp.HCM và từng quận huyện... nên cốt xây dựng trên từng tuyến đường không rõ ràng.

Rồi biến đổi khí hậu, nước biển, nước triều dâng lên, khi đó cốt chuẩn quốc gia phải thay đổi dẫn đến cốt chuẩn thành phố và cốt xây dựng sẽ phải thay đổi, hệ thống thoát nước cũng phải điều chỉnh. Tất cả điều này gây tốn kém và không thể khắc phục.

Vì vậy, xem xét lại cốt chuẩn đối với thành phố đòi hỏi phải có nhạc trưởng và làm đồng bộ ngay từ bây giờ, phải xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ triều dâng, bản đồ các vùng thấp để có biện pháp đầu tư hạ tầng cơ sở tương ứng, hạn chế phát triển đô thị về phía thấp, tổ chức tốt hệ thống thoát nước cho lưu vực và cốt xây dựng cụ thể cho từng con đường vào nhà dân...

* 30.650 tỉ đồng cho công tác xóa ngập, giảm ngập

Về chống ngập, riêng năm 2008, Tp.HCM duyệt giao 42 dự án, tổng số vốn 354,3 tỉ đồng nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, kết quả đến cuối tháng 11/2008 mới giải ngân được 72,42 tỉ đồng.

Giai đoạn 2007-2010, Tp.HCM tiếp tục triển khai 15 giải pháp phi công trình chống ngập và tám giải pháp công trình, hoàn thành bốn dự án ODA tại khu vực trung tâm, triển khai dự án kiểm soát triều cường giai đoạn 1 và nạo vét thông thoáng toàn bộ hệ thống kênh rạch thoát nước trên địa bàn thành phố (trong đó sẽ có ba giải pháp cấp bách, tạo nên chuyển biến cơ bản và đột phá cho công tác xóa ngập, giảm ngập trên địa bàn toàn thành phố) với tổng vốn đầu tư ước tính 30.650 tỉ đồng, trong đó 12.000 tỉ đồng vốn ODA, 18.500 tỉ đồng vốn ngân sách. (KTS. Nguyễn Ngọc Dũng (Tuổi Trẻ))


DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy