TPHCM cam kết đảm bảo quyền lợi của người dân bị thu hồi đất

Cập nhật 10/07/2019 08:00

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, trong thời gian tới, khi thu hồi đất của người dân thì giá bồi thường phải tiệm cận với giá thị trường; tính đúng, tính đủ các thiệt hại khác như: sinh kế, việc học, đi lại... để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Ngày 8/7, phát biểu tại hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 30, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, công tác triển khai các dự án trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ. Do đó, sắp tới, UBND TP sẽ tập trung 5 giải pháp lớn để giải quyết tồn tại trên, đặc biệt là tính đúng, tính đủ các chi phí, thiệt hại của người dân bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị Thành ủy lần 30

Thứ nhất, TPHCM sẽ thay đổi tư duy trong đề xuất và triển khai các dự án đầu tư công. Quán triệt nguyên tắc đối với cán bộ và lãnh đạo cơ quan quản lý chuyên ngành, trong quá trình đề xuất dự án đầu tư công, cần phải đánh giá tính khả thi về mặt tài chính của dự án, cơ quan đề xuất phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về các dự án do mình đề xuất.

Bên cạnh đó, rà soát tổng thể danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Đối với các dự án chưa triển khai có thể giao cho tư nhân thực hiện thì đề xuất thực hiện chuyển nguồn, không tiếp tục sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư. Thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc thực hiện các giải pháp như hợp tác công tư (PPP).

Đối với các dự án đầu tư công đã triển khai và đi vào hoạt động, cần rà soát, tính toán lại hiệu quả tổ chức vận hành, xem xét hình thức đấu thầu giao cho doanh nghiệp quản lý vận hành theo đúng quy hoạch, chức năng và công năng của công trình.

Thứ hai, về công tác bồi thường, tái định cư và giải phóng mặt bằng, đối với các dự án có sử dụng đất cần ưu tiên chuyển nguồn vốn các dự án đầu tư công sang đầu tư tư nhân.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ bồi thường cho người dân theo cơ chế thị trường để thực hiện đầu tư xây dựng công trình. Thành phố đóng vai trò tổ chức quy hoạch, hỗ trợ thủ tục hành chính và trung gian giải quyết những vấn đề khúc mắc giữa nhà đầu tư với người dân để đảm bảo công tác bồi thường tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với các dự án thành phố phải trực tiếp xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong quá trình tổ chức quy hoạch, phê duyệt dự án cần phải có tầm nhìn tổng thể để thực hiện thu hồi đất, đảm bảo các tiêu chí khác nhau và hạn chế tạo ra sự chênh lệch địa tô.

Theo đó, TPHCM sẽ xây dựng phương án giá bồi thường tiệm cận với giá thị trường để đảm bảo tính khả thi, công bằng cho người dân, trong đó phải tính đúng, tính đủ các chi phí, thiệt hại mà người dân phải gánh chịu ngoài chi phí bồi thường về đất như: vấn đề sinh kế, việc học, việc làm, đi lại, thời gian cần thiết để các hộ dân ổn định cuộc sống, đảm bảo quyền lợi đối với các hộ dân. Hạn chế tình trạng cùng một vị trí nhưng giá bồi thường hỗ trợ ở thời điểm sau cao hơn thời điểm trước.

Rà soát lại quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng để tránh tình trạng hai lô đất cạnh nhau nhưng có giá trị bồi thường quá chênh lệch, hay đất nông nghiệp, đất lúa có giá bồi thường quá thấp so với đất ở.

Triển khai hiệu quả cơ chế quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố sau khi Chính phủ thông qua nghị quyết.

Thứ ba, về công tác quy hoạch, thực hiện rà soát tổng thể quy hoạch của thành phố, đảm bảo tính thống nhất quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông...

Ưu tiên rà soát điều chỉnh quy hoạch khu vực xung quanh nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị, các bến xe của thành phố theo hướng khai thác không gian ngầm, khai thác không gian trong bán kính 1km để hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, căn hộ phục vụ cho người dân (trừ khu vực trung tâm 930 ha đã có quy hoạch).

Ông Hoan nhấn mạnh, TPHCM hoàn chỉnh quy hoạch không gian ngầm, trong đó ưu tiên tập trung phát triển khu trung tâm vùng lõi 930ha, khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2). Đây là mô hình mẫu để nhân rộng ra các khu vực khác của thành phố.
Trong giai đoạn 2021-2015, dự kiến TPHCM khởi công 25 dự án đầu tư trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư tạm tính (chưa bao gồm tiền sử dụng đất) là hơn 38.000 tỷ đồng

Thứ tư, về công tác giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư tư nhân, đối với khu đất công có diện tích nhỏ xen cài trong các khu đất thực hiện dự án đầu tư của doanh nghiệp, thành phố sẽ chủ động xây dựng những nguyên tắc để xử lý trình xin ý kiến các bộ ngành Trung ương để được hướng dẫn thực hiện một cách đồng bộ, thay vì phải hỏi ý kiến trong từng trường hợp cụ thể như hiện nay.

Đối với việc xây dựng phương thức lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, thành phố làm công khai lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, đấu giá, đảm bảo minh bạch, tính khả thi, tính cạnh tranh và lựa chọn nhà thầu đảm bảo năng lực. Song song đó, thành phố chủ động lập đề xuất nghiên cứu dự án, lập quy hoạch chi tiết cho từng dự án và mời gọi đầu tư thay gì bị động giao nhà đầu tư đề xuất, lập dự án như hiện nay.

Thứ năm, về chính sách ưu đãi đầu tư, TPHCM sẽ đề xuất Trung ương cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, đẩy nhanh việc rà soát chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp và dịch vụ, trong đó chú trọng đẩy nhanh phát triển các khu công nghiệp đã được Thủ tướng chấp thuận...

Theo ông Võ Văn Hoan, TPHCM có 64 dự án dự kiến khởi công trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, 5 dự án ODA với tổng mức đầu tư gần 280.000 tỷ đồng, 21 dự án theo hình thức đối tác công tư với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, 7 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, 6 dự án đầu tư ngoài ngân sách có sử dụng đất dự kiến đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư trong thời gian tới với tổng mức đầu tư gần 55.000 tỷ đồng và 25 dự án đầu tư trong khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư tạm tính (chưa bao gồm tiền sử dụng đất) là hơn 38.000 tỷ đồng.
 

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí