TP. Hồ Chí Minh mời gọi nhà đầu tư vào 210 dự án

Cập nhật 20/05/2019 14:00

Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP. HCM năm 2019, lãnh đạo thành phố mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 210 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 53 nghìn triệu USD. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị.

Trong 210 dự án mời gọi đầu tư, TP. Hồ Chí Minh có 29 dự án chỉnh trang đô thị.

Tổng vốn hơn 53 nghìn triệu USD

Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh năm 2019, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thành phố là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GRDP, đóng góp trung bình hàng năm khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 tổng sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tính đến cuối năm 2018, đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh với hơn 8.000 dự án, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn khoảng 45 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Thành phố hiện có 210 dự án mời gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư 1.183.610 tỷ đồng (tương đương 53.804 triệu USD). Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông nhiều nhất với 85 dự án (gồm 55 dự án cầu - đường bộ, 7 dự án giao thông đường thủy, 8 dự án đường sắt nội đô, 15 dự án đường bộ nội bộ). Cơ sở hạ tầng có 36 dự án (4 dự án bãi đậu xe, 28 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 4 dự án giảm ngập nước). Lĩnh vực nông nghiệp 2 dự án, thương mại – dịch vụ 9 dự án, chỉnh trang đô thị 29 dự án, giáo dục 14 dự án, y tế 6 dự án, văn hóa - thể thao 15 dự án, du lịch - giải trí 14 dự án.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, có 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đang được áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo pháp lý sử dụng đất của từng khu đất và mục tiêu đầu tư của dự án. Cụ thể, sẽ lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất theo hình thức đấu thầu; lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong năm 2019, TP. Hồ Chí Minh duy trì mức đóng góp ngân sách chiếm 27 - 28% cả nước, phấn đấu nâng tỷ trọng đóng góp tổng sản phẩm nội địa hiện tại từ 23% lên 25%, GRDP tăng từ 8,3 - 8,5% và phấn đấu liên tục thăng hạng trong các bảng tổng sắp về sức mạnh kinh tế và quản trị xã hội. Để làm được điều này, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo UBND thành phố có những chỉ đạo cụ thể đối với các sở, ngành, nghiên cứu, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận các dự án đầu tư, để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển đầu tư, kinh doanh, gắn bó lâu dài với TP. Hồ Chí Minh.

Khó khăn giải phóng mặt bằng

Trong danh mục 210 dự án thành phố mời gọi đầu tư, theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, thông tin các doanh nghiệp BĐS rất quan tâm và mong muốn được tham gia đầu tư vào nhiều dự án trong số 85 dự án hạ tầng giao thông, 36 dự án cơ sở hạ tầng đô thị, 29 dự án chỉnh trang đô thị, 9 dự án thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, Hiệp hội đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với quỹ đất thuộc hành lang sông, rạch. Trong đó, có đề xuất bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn, để xây dựng các dự án mời gọi đầu tư trong thời gian tới.

Mặt khác, trong quá trình đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, nhất là chỉnh trang đô thị trên địa bàn, theo HoREA, khâu khó khăn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Hiệp hội được biết, UBND thành phố đã kiến nghị Chính phủ cơ chế và giải pháp để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng còn hơn 100 ngày, để sớm giao quỹ đất cho nhà đầu tư.

Liên quan đến hành lang pháp lý, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về dùng tài sản công, trong đó có quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ trì dự án khẩn trương rà soát, hoàn thiện, đảm bảo tính khả thi của các dự án mời gọi đầu tư, nhất là các dự án chỉnh trang đô thị.

Doanh nghiệp BĐS có những đóng góp nhất định trong quá trình chỉnh trang đô thị. Nhiều khu đô thị mới, khu dân cư mới, các khu nhà cao tầng hiện đại đã và đang được hình thành, điển hình như khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng, khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu dân cư Him Lam, khu dân cư Dragon City, VinHome Tân Cảng với tòa nhà cao nhất Việt Nam (81 tầng), Sunrise City, Sala City, Bitexco Tower, Times Square, Sài Gòn Pearl, Mastery Thảo Điền, Cantavil, Sài Gòn Center - Takashimaya, Serenity Sky Villas, Diamond Lotus... và nhiều dự án nhà ở vừa túi tiền trên địa bàn. Mặt khác, các doanh nghiệp BĐS sẽ tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, chỉnh trang - tái phát triển đô thị, xây dựng lại các chung cư cũ, chỉnh trang, di dời tái định cư nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố

DiaOcOnline.vn – Theo Kinh tế nông thôn