TP. Cà Mau trở thành đô thị loại II

Cập nhật 07/08/2010 10:20


Trung tâm thành phố Cà Mau
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg công nhận thành phố Cà Mau là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Cà Mau.

Thành phố Cà Mau được công nhận là đô thị loại III từ năm 1999, trực thuộc tỉnh, có 17 đơn vị hành chính gồm 10 phường và 7 xã. Đây trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa quan trọng của tỉnh Cà Mau; đô thị hạt nhân của vùng đô thị Tây Nam thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm của vùng bán đảo Cà Mau trong tam giác phát triển kinh tế của tỉnh (gồm TP. Cà Mau, thị trấn Sông Đốc và thị trấn Năm Căn).

Thành phố Cà Mau đang phát triển nhanh đô thị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo hướng hiện đại, văn minh, giàu đẹp, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng nhanh theo tốc độ đô thị hóa. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư nhanh, đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh.

Qua đó, thành phố đạt được rất nhiều tiêu chí quan trọng của đô thị loại II như: chức năng, vị trí và phạm vi ảnh hưởng đạt 14,3/10,5-15 điểm; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt 9,8/7-10 điểm; quy mô dân số đô thị đạt 7,8/7-10 điểm; mật độ dân số nội thị đạt 5,0/3,5-5,0 điểm; cơ sở hạ tầng đạt 40,4/38,5-55 điểm; nhà ở đạt 8,8/7-10 điểm; cấp nước đạt 4,5/3,5-5 điểm; thoát nước đạt 1,4/4,2-6 điểm; cấp điện chiếu sáng đô thị đạt 2,8/2,8-4 điểm; thông tin, bưu điện đạt 2,0/1,4-2,0 điểm; vệ sinh môi trường đạt 4,8/5,6-8 điểm; kiến trúc, cảnh quan đô thị đạt 8,2/10 điểm.

Tầm nhìn đô thị động lực


Thời gian tới, TP. Cà Mau còn thu hút rất lớn đối với các nhà đầu tư vào các dự án giao thông như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 63, tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến giao thông đường thủy từ thành phố Cà Mau đến các tỉnh, thành trong khu vực...; các dự án khu trung tâm hành chính - chính trị tỉnh, trung tâm thể dục - thể thao tỉnh, sân bay mới Cà Mau, Bệnh viện đa khoa Bình An, các khu trung tâm thương mại; các dự án chỉnh trang đô thị; các dự án cụm tiểu thủ công nghiệp tại các phường 1, 9, 8, khu công nghiệp Hòa Trung, xã Lý Văn Lâm với quy mô 219 ha…

Ngoài ra, còn nhiều dự án giáo dục - đào tạo, vệ sinh môi trường, cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng công cộng, cây xanh đô thị, kiến trúc, cảnh quan đô thị… cũng là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư đầu tư vào một thành phố trẻ đang chuyển mình vươn lên trở thành một đô thị động lực kinh tế điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ