Tôn trọng thiên nhiên, chấp nhận cái mới

Cập nhật 26/01/2009 17:25

Bộ Xây dựng và các nhà tư vấn nước ngoài đang tập trung xây dựng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đô thị đến 2050, trong mối liên kết phát triển của Thủ đô với vùng Hà Nội, các vùng địa lý - kinh tế Bắc bộ và cả nước.



Khu chung cư Linh Đàm. Ảnh Nguyệt Ánh


Trong đó hình ảnh của Hà Nội với bề dày lịch sử, tầm cao văn hóa, cảnh quan, kiến trúc đặc trưng được coi là hồn cốt. PV HaNoiMoi đã có cuộc trò chuyện với KTS cảnh quan Trần Thanh Vân - người có nhiều ý kiến tâm huyết cho việc xây dựng quy hoạch, phát triển Thủ đô Hà Nội.

- Thưa bà, mọi người đều biết nói đến cảnh quan là nói đến cái đẹp. Tuy vậy, bà có thể cho biết thêm ý nghĩa của cái đẹp cảnh quan?

- Đúng là cụm từ cảnh quan đô thị, nhắc người ta nghĩ đến vẻ đẹp của một thành phố, trong đó có trời mây, hồ nước, rừng cây, thảm cỏ, công viên, vườn hoa và những đôi nam nữ sánh vai cùng đi dạo, hoặc các cháu thiếu nhi nô đùa, chơi trò ú tim, đuổi nhau trốn tìm dưới chân những bức tượng đài có đèn sáng lung linh. Đó là giá trị hình thức mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy được. Nhưng giá trị vật chất của cảnh quan đô thị, ít ai biết đến. Bản thân tôi, mãi sau này mới thực sự hiểu được công việc mà tôi đeo đuổi suốt đời.

- Vậy thực chất nó là gì và bà đã xâm nhập ra sao?

- Công trình đầu tiên mà chúng tôi ứng dụng nghiên cứu cũng là công trình lý thuyết: Quy hoạch Hà Nội mở rộng. Lúc đó, Hà Nội không có nhu cầu xây dựng mở rộng, nên chúng tôi cứ mặc sức giả định, tôi tha hồ vẽ hồ nước, công viên, trục đường có mặt cắt hàng 100m, các dải cách ly hai bên phải rộng ít nhất 50m... Thú vị là ở chỗ đề xuất đúng cũng không ai làm theo, mà đề xuất sai cũng không ai phê phán.

Riêng tôi, sau những năm tháng mầy mò vừa học vừa thực hành đó, tôi hình như tìm thấy một điều bí hiểm về sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Tôi đến Thư viện Trung ương tìm đọc hết mấy cuốn sách phong thủy viết bằng chữ Hán. Thế nhưng đến mùa đông năm 1980, tại Trường đại học TU Dresden, tôi mới bắt đầu làm quen với cụm từ quy hoạch cảnh quan - Landscape Architectural và số phận buộc tôi với công việc đó suốt đời, trong khi các bạn tôi có người đã bỏ cuộc chuyển công tác khác, có người được đề bạt và chuyển sang làm công tác quản lý.

- Vậy nguyên lý của quy hoạch cảnh quan có gì đặc biệt?

- Theo nhà nghiên cứu cảnh quan nổi tiếng nước Mỹ Fredrick Law Olmsted, quy hoạch cảnh quan là bước đầu tiên và là bước quan trọng nhất của một quy hoạch đô thị, nó buộc đô thị phải phát triển theo quy luật của thiên nhiên. Như vậy con người mới có thể sống yên ổn và ngăn chặn được mọi tác động xấu do môi trường gây ra.

- Vậy về quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng bà phát hiện ra điều gì?

- Đầu tiên, tôi phát hiện ra rằng cấu trúc phong thủy và quy hoạch cảnh quan thực chất chỉ theo một nguyên lý cơ bản, đó là phải tuân thủ nghiêm ngặt những chi phối của địa hình thiên nhiên và đảm bảo gió phải thông, nước phải thoát. Nếu bốn chữ cấu trúc phong thủy có chút màu sắc huyền bí thì bốn chữ quy hoạch cảnh quan có vẻ hiện đại hơn, nhưng nội dung công việc không khác nhau nhiều.

Trong chiếu dời đô Vua Lý Thái Tổ, đã miêu tả Kinh thành Thăng Long: “Ở giữa khu vực trời đất, được thế Rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện nghi núi sông sau trước...”. Kinh thành Thăng Long của người tựa lưng vào núi Ba Vì, nhìn ra sông Hồng ở phía trước. Lúc đó đê sông Hồng chưa có, địa hình tự nhiên thoải dần từ chân núi Ba Vì ra phía sông Hồng và quãng giữa địa hình trũng xuống. Thành Đại La là nơi cao nhất, nhưng đến mùa nước lên, nhiều nơi vẫn bị ngập. Nhà vua đã cho xây dựng đê Cơ Xá để bảo vệ riêng kinh thành. Sang đời Trần, rồi đến đời Lê, hơn 1.600km đê đã ngăn đồng bằng Bắc bộ tách hẳn với các con sông. Nước không trực tiếp chảy ra sông nữa nhưng nước vẫn tràn vào hệ thống ao hồ, các sông Tô Lịch, Kim Ngưu và khu vực trũng của ruộng đồng.

Khi người Pháp xây dựng thành phố Hà Nội 20 vạn dân vào đầu thế kỷ XX, hệ thống đê đã như một “hiện trạng cảnh quan nhân tạo” và người ta đã tôn trọng hiện trạng này bằng cách để cho làng xóm và ruộng đồng tự nhiên tiếp tục tồn tại ngay giữa trung tâm thành phố. Công viên Bách Thảo lớn ở ngay sát bên Phủ Chủ toàn quyền, tiếp cận với các làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Đại Yên, Vạn Phúc, Liễu Giai... kéo một mạch 40km qua huyện Từ Liêm rồi đến tận chân núi. Đó chính là hành lang thông gió như một công viên cực lớn đi suốt từ chân núi Ba Vì về đến Hồ Tây, mang không khí trong lành vào thành phố và đây cũng là đường thoát nước tự nhiên. Những trận mưa lớn, nước tự tiêu thoát hết vào hệ thống ao hồ dày đặc, chỉ đôi lúc bị ứ đọng tạm thời ở “túi nước” trong đôi ba ngày mà thôi. Khu phía Nam thành phố cũng như vậy. Rất tiếc chế độ điều chỉnh tự nhiên đó ngày nay đã không còn nữa.

Đô thị phát triển theo kiểu “vết dầu loang” không quan tâm đến cảnh quan đã biến các làng cổ thành phố phường và hầu như ao hồ đều bị lấp. Ý thức thiển cận “tấc đất tấc vàng” đã làm mất hết mọi dự kiến sáng tạo của những người ham muốn vẻ đẹp của cảnh quan môi trường. 10 năm lại đây, hàng loạt khu đô thị mới mọc lên. Với việc hình thành khu đô thị mới Mỹ Đình và đường Láng Hòa Lạc dài trên 30km, con người can thiệp thô bạo vào cảnh quan vốn rất sinh động ở khu vực này. Trận đại hồng thủy vừa rồi chính là lời nhắc nhở mọi người rằng dọc theo 30km đường Láng Hòa Lạc sẽ phải có nhiều hồ nhân tạo mà tổng diện tích hồ phải tính đến hàng ngàn hécta, mới hy vọng cứu trục đường này và khu đô thị mới Mỹ Đình khỏi úng ngập nặng nề. Những hồ đó cũng là nơi chứa nước từ sông Đà về để dùng cho sinh hoạt và tưới cây lúc khô hạn, còn ngày mưa, đó chính là nơi thu nước rất tốt. Tôi quan sát Hồ Tây rộng 400ha, trong trận mưa lịch sử vừa qua nước Hồ Tây dâng lên 1,5m (chứa 6 triệu khối nước mưa) và chỉ một tuần sau tự rút đi hết. Nếu khu vực này có điều kiện tự thu nước như vậy, có lẽ không còn lo ngại gì nữa. Lúc bình thường, các hồ đó làm cho cảnh quan khu vực đẹp, mát mẻ hơn, đó cũng là hồ nuôi cá, bơi thuyền hoặc phục vụ các mục đích du lịch khác.

- Còn quy hoạch cảnh quan Hà Nội tại các vùng chiêm trũng, bà nghĩ sao?

- Đó là một vấn đề rất tế nhị và cần phải thật mạnh dạn chấp nhận cái mới để thay đổi tận gốc về hình thức nhà cửa, cách làm ăn và cách sống.

- Xin bà cho biết cụ thể hơn?

- Ở Hà Lan người ta đang nghiên cứu nhà nổi với tên gọi nhà ở lưỡng cư. Trước tình hình biến đổi khí hậu, tôi nghĩ ngay cả đồng bằng Bắc bộ cũng cần những làng nổi. Thủ đô ta có mấy huyện thấp trũng như: Thanh Trì, Ứng Hòa, Chương Mỹ, nước ngập gần như quanh năm, nhưng cảnh quan khu vực đó rất đẹp. Không thể bắt nông dân thấp thỏm suốt vụ chiêm, lại sang vụ mùa, chẳng may mất trắng, rau cũng không có để ăn. Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ về khai thác kinh doanh du lịch trong bối cảnh “bùng nổ du lịch” mà vừa qua Việt Nam đã được Hội đồng du lịch thế giới (WTTC) đánh giá cao về khả năng tăng trưởng. Nếu ta mạnh dạn thí nghiệm và ứng dụng trước, sẽ có nhiều ý tưởng hay về tổ chức cuộc sống mà người dân không bị động trước sự đe dọa của lũ lụt và triều cường. Về mặt khai thác, nhiều chuyên gia du lịch hàng đầu như ông Don Birch, Chủ tịch kiêm TGĐ Abacus International đã dùng chữ “Booming - bùng nổ” và đánh giá Việt Nam là nước đáng chú ý thứ hai ở phương Đông của du khách phương Tây. Còn về tạo ra môi trường du lịch, phụ thuộc vào chủ trương của chính quyền.

- Xin cảm ơn cuộc trò chuyện và những ý kiến đóng góp của bà cho quy hoạch Thủ đô Hà Nội!

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới