Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (bao gồm các Luật: Luật Đất đai và Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và Luật Bảo vệ môi trường) cơ bản đã nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội.
Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 1/7/2009, để góp phần thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Quốc hội yêu cầu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật trước thời điểm nói trên.
Đáng lưu ý, ngay trong khi kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII đang diễn ra, Chính phủ quyết định đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Đất đai và Luật nhà ở ngay trong dự án dùng một luật sửa nhiều luật này. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường và cơ quan phát hành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất thống nhất trên toàn quốc. Đầu mối cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người dân là UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện theo quy định tại Điều 52 Luật Đất đai hiện hành.
Việc sửa đổi 2 vấn đề nêu trên dẫn đến bãi bỏ một số điều liên quan đến trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đất đai và Luật Nhà ở, chấm dứt cuộc tranh cãi về “sổ đỏ” và “giấy hồng”. Chính phủ được giao quy định thống nhất thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, ban hành trước khi Luật sửa đổi này có hiệu lực.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, chủ trương một đầu mối cấp một giấy chứng nhận về đất và tài sản gắn liền với đất của Quốc hội được thể hiện nhất quán từ năm 2003 - thời điểm Luật Đất đai được phê duyệt - cho đến nay và được tái khẳng định mạnh mẽ trong Nghị quyết năm 2007 của Quốc hội về vấn đề này. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này chưa được thi hành suôn sẻ.
Một nội dung khác cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu Quốc hội liên quan đến việc sửa Luật Đấu thầu. Luật hiện hành (điểm đ, khoản 1, Điều 20) quy định được chỉ định thầu trong trường hợp “gói thầu dịch vụ tư vấn có giá gói thầu dưới năm trăm triệu đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp có giá gói thầu dưới một tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển”. Dự thảo Luật sửa đổi giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể mà không quy định trong Luật.
Mặc dù về nguyên tắc, các đại biểu Quốc hội đều yêu cầu tiến tới đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định thầu. Nhưng trong tình hình suy giảm kinh tế, cần đẩy mạnh kích cầu đầu tư như hiện nay thì việc giao Chính phủ quy định hạn mức chỉ định thầu nhằm tạo linh hoạt hơn cho công tác chỉ định thầu là cần thiết. Đồng thời, đại biểu Quốc hội yêu cầu quy định cụ thể ngay trong Nghị định hướng dẫn thi hành những trường hợp đặc biệt được chỉ định thầu và loại gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu để hạn chế khả năng tiêu cực.