Tìm “nhạc trưởng” cho chương trình nhà ở xã hội

Cập nhật 03/05/2011 10:20

Dự kiến tháng 10.2011, TPHCM sẽ phê duyệt đề án thành lập cơ quan phát triển nhà ở xã hội.

Liên quan đến những khó khăn trong thực hiện chương trình xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM, Sở Xây dựng hiện đã xây dựng dự thảo “Đề án thành lập cơ quan phát triển nhà ở xã hội”. Đây được xem là “chìa khóa” để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách và biện pháp nhằm giải quyết nhu cầu về nhà ở xã hội của TP giai đoạn 2011- 2015.

Thực tế, chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP hiện còn mang tính tự phát, thiếu chiến lược cụ thể, từ đó dẫn đến thiếu cân đối trong phân bổ ngân sách. Các chính sách về nhà ở xã hội chưa hoàn thiện và đồng bộ khiến cho có đối tượng được hưởng quá nhiều, ngược lại có đối tượng chưa được hưởng lợi từ chính sách này.


Lãnh đạo TP và Sở Xây dựng tại lễ bàn giao nhà ở xã hội cho CBCNV tại chung cư Đông Hưng 2 (quận 12) tổ chức cuối tháng 4-2011.

Hiện nay, Sở Xây dựng chỉ thực hiện vai trò quản lý, chủ trì điều phối chương trình nhà ở, trong đó có các chương trình nhà ở xã hội. Còn việc chuẩn bị kế hoạch vốn, đất đai, quy hoạch… để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư cho TP phân tán về các quận, huyện và sở, ngành: Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư…

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ vì thiếu một “nhạc trưởng” điều phối trong tổng thể chung để phát huy hiệu quả cao nhất của chính sách về nhà ở xã hội. Do đó, việc thành lập cơ quan phát triển nhà ở xã hội là vấn đề cần thiết và cấp bách hiện nay.

Hiện dự thảo “Đề án thành lập cơ quan phát triển nhà ở xã hội” đang chờ sự góp ý của các sở, ngành, địa phương. Dự kiến đến tháng 10 sẽ trình UBND TP xem xét, phê duyệt.

Theo Sở Xây dựng, cơ quan phát triển nhà ở xã hội không chỉ quản lý về mặt Nhà nước mà còn thể hiện vai trò chủ đạo thông qua trực tiếp đầu tư xây dựng tạo lập quỹ nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, góp phần bình ổn và điều tiết thị trường.

Trên cơ sở học tập kinh nghiệm quản lý nhà ở của một số nước trên thế giới cũng như những kinh nghiệm trước đây của TP, Sở Xây dựng đã đề xuất ba mô hình: Mô hình Trung tâm Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc UBND TP, có ưu điểm là bảo đảm được mục tiêu tạo lập nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch giao hằng năm, bảo đảm mục tiêu công ích được ưu tiên hơn mục tiêu lợi nhuận nhưng đòi hỏi Nhà nước phải cung cấp lượng lớn nguồn vốn từ ngân sách mới bảo đảm duy trì hoạt động.

Mô hình Cục Quản lý và Phát triển Nhà ở xã hội, là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc UBND TP. Với mô hình này, chức năng quản lý Nhà nước được thực hiện tập trung và độc lập, có nguồn lực đủ mạnh để bố trí vốn xây dựng nhà ở xã hội và hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội nhưng TP phải xin cơ chế thí điểm của Trung ương vì hiện nay chưa có hệ thống cơ quan ngành dọc để làm căn cứ triển khai mô hình này.

Mô hình thứ ba là thành lập công ty, tổng công ty phát triển nhà ở xã hội. Mô hình này đang được Sở Xây dựng “tâm đắc” bởi nó khác với hai mô hình trên là thành lập mới, còn mô hình này phát triển dựa trên doanh nghiệp Nhà nước đã có sẵn vì thế thuận lợi về nguồn vốn hoạt động, kêu gọi đầu tư, giảm tải cho ngân sách. Tuy nhiên, do hoạt động dưới hình thức công ty nên mô hình này chịu sự chi phối của thị trường, về lâu dài khó bảo đảm mục tiêu công ích được ưu tiên hơn mục tiêu lợi nhuận.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động