Tiêu chí tạm dừng dự án đã hợp lý?

Cập nhật 27/10/2013 08:39

 Trước tình trạng thị trường BĐS đóng băng, tồn kho cao, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương rà soát và tạm dừng các dự án bất động sản.


Một trong những tiêu chí để tạm dừng một số dự án bất động sản được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ đó là căn cứ vào tiến độ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này của Bộ Xây dựng vẫn còn không ít tranh cãi.

Tại Hà Nội, nhà ở thương mại được nhận định là nếu triển khai hết các dự án hiện có thì sẽ dư thừa nguồn cung đủ để phục vụ đến năm 2050. Bởi vậy, Bộ Xây dựng mới đây đã đề xuất: Chỉ các dự án đã giải phóng mặt bằng trên 70% đang thi công dở dang mới được triển khai tiếp.  Các dự án giải phóng mặt bằng đạt trên 30% nhưng dưới 70% vẫn thuộc diện rủi ro.

Đối với các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng dở dang dưới 30% diện tích buộc phải tạm dừng. Thực tế, tại Hà Nội, hiện tượng góp vốn tại những dự án chưa triển khai, thậm chí chưa giải phóng mặt bằng xong rất phổ biến. Bởi vậy, không ít nhà đầu tư rất hoang mang khi biết được thông tin này. Số phận tiền góp vốn của họ vào dự án có thể bị ngừng triển khai sẽ như thế nào.

Tiêu chí thu hồi dự án căn cứ vào tỷ lệ giải phóng mặt bằng không được các nhà đầu tư và các chuyên gia đồng tình.  Bởi thực tế có dự án tuy đã giải phóng trên 70% mặt bằng, thậm chí là GPMB xong 100% nhưng vẫn đắp chiếu, chủ đầu tư không có năng lực triển khai.

Ngược lại, có những dự án tuy mới giải phóng được 30%, nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng đang rất tốt, chủ đầu tư cũng có kế hoạch cụ thể, có nguồn tiền để triển khai dự án trong tương lai. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt nam thì chính quyền địa phương tại nơi có dự án là cơ quan hiểu rõ nhất tình trạng của dự án, và có thể quyết định là có nên thu hồi hay không.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện vẫn chưa có danh sách đề xuất các dự án tạm dừng trong khi TP.HCM đề xuất tạm dừng 322 dự án. Xem ra, việc cứ tiếp tục chờ đợi các địa phương tự đề xuất chưa phải là một giải pháp hay, vì các DN đều có hàng loạt các lý do đưa ra để lẩn tránh việc thu hồi. Để giải phóng mặt bằng tại các dự án, chủ đầu tư phải bỏ rất nhiều công sức, tiền của.

Hiện nay, có rất nhiều lý do khiến chủ đầu tư chưa thể tiếp tục hoàn thành dự án như: thiếu vốn, nguồn cung của phân khúc định triển khai xây dựng bị dư thừa, ứ đọng, tình hình thị trường đóng băng. Những lý do này xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nếu dự án của họ bị liệt vào danh sách dừng triển khai, DN chịu rất nhiều thiệt hại.

Một luồng ý kiến khác cho rằng, tình trạng dự án bất động sản bị bỏ hoang, hoặc đình trệ thi công tồn tại quá phố biến. Việc mạnh tay chấm dứt, thu hồi dự án sẽ giúp điều tiết thị trường BĐS trong tương lai.

Vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh việc thu hồi dự án và những tiêu chí để thu hồi, chấm dứt dự án. Nếu không giải quyết dứt điểm, các dự án bỏ hoang hoặc chậm triển khai sẽ tiếp tục gây lãng phí cho nguồn lực đất đai của đất nước.

DiaOcOnline.vn - Theo VITV