Tiếp tục thông tin về quy hoạch, kiến trúc 18 ô phố trung tâm thành phố

Cập nhật 22/06/2007 14:00

Đích thân Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã từng cho biết: Khu vực trung tâm thành phố đang rất thiếu khách sạn và văn phòng cho thuê. Chính vì vậy, thành phố đã quyết định gấp rút chọn ra 18 ô phố ở khu vực để kêu gọi đầu tư xây dựng khách sạn và văn phòng cho thuê.

Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của một số ô phố khu trung tâm hiện hữu gồm: khu tứ giác Bến Thành; khu tứ giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Yersin - Nguyễn Thái Học; khu Sở Văn hóa và Thông tin; khu đối diện thương xá Tax và khu Bệnh viện Sài Gòn. Kỳ này, chúng tôi tiếp tục gửi đến bạn đọc thông tin về một số ô phố khác mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa trình UBND TPHCM.

Tứ giác Eden: không có chức năng ở

Khu Eden (TPHCM) - 1 trong 18 ô phố được đưa ra kêu gọi đầu tư. Khu này có diện tích khoảng 8.800m2, giới hạn bởi các đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, Lê Lợi và tiếp giáp với các công trình mang nét đặc trưng của thành phố như trụ sở UBND thành phố, công viên trước trụ sở UBND TP, Nhà hát thành phố. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất chức năng cho khu đất này là khu dịch vụ văn phòng cao cấp, khách sạn cao cấp, cửa hàng thương mại bán lẻ, không có chức năng căn hộ.

Cụ thể: khối công trình sát lộ giới các trục đường có chiều cao khoảng 5-6 tầng (tối đa 22m tính từ cao độ vỉa hè) ; phần lõi phía trong ô phố có khoảng cách tối thiểu 6m từ lộ giới các trục đường có thể cao tối đa 7-8 tầng, chiều cao tối đa 30m, nếu có mái ngói, đỉnh mái cao tối đa 36m; mật độ xây dựng tối đa 75%; hệ số sử dụng đất khoảng 6-7; không giới hạn số tầng hầm.

Tuy nhiên cần đảm bảo giải pháp thiết kế, thi công phù hợp điều kiện địa chất, thủy văn, đồng thời việc xây dựng, sử dụng và tổ chức giao thông cho các tầng hầm này không gây ảnh hưởng đến các công trình có giá trị xung quanh (như trụ sở UBND thành phố, Nhà hát thành phố…) và cảnh quan kiến trúc chung của khu vực. Ngoài ra, cần lưu ý đảm bảo bố cục kiến trúc đối xứng với khu khách sạn Rex, hài hòa với các công trình lân cận. Tầng trệt lùi vào 4m so với chỉ giới xây dựng để tạo ra hành lang đi bộ xung quanh ô phố. Tổ chức các hành lang đi bộ kết hợp với thương mại xuyên qua ô phố nhằm tái tạo không gian dạng hành lang Eden.

Khu vực số 66-68-70 đường Lê Thánh Tôn (Sở Giáo dục-Đào tạo): mật độ xây dựng 50%-60%

Tổng diện tích diện tích toàn khu khoảng 8.330m2, trong đó phần đất lớn để xây dựng có diện tích 7.393m2, phần đất còn lại khoảng 947m2 trên đó có 1 biệt thự giáp với biệt thự 64 Lê Thánh Tôn đề xuất dùng để xây dựng trụ sở Sở Giáo dục – Đào tạo. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất chức năng cho khu đất này bao gồm các dịch vụ cao cấp như văn phòng, khách sạn cao cấp, cửa hàng thương mại bán lẻ, không có chức năng căn hộ kinh doanh.

Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (tính trên khu đất 7.393m2): tầng cao công trình tối đa là 22 tầng (không kể tầng lửng, tầng hầm, sân thượng, các phòng kỹ thuật trên mái), chiều cao tối đa là 90m, mật độ xây dựng khoảng 50%-60%, hệ số sử dụng đất tối đa 14,5 (tương đương 13 trên diện tích toàn bộ khu đất 8.330m2 của Sở Giáo dục – Đào tạo), chỉ giới xây dựng: cách ranh lộ giới đường Lý Tự Trọng và Lê Thánh Tôn 8m, cách các ranh đất kế cận tối thiểu 4m. Các vấn đề cần lưu ý cho khu này là tổ chức kết hợp với bãi đậu xe ngầm tại công viên Chi Lăng, không giới hạn số tầng hầm.

Công viên 23/9: công viên kết hợp đầu mối giao thông công cộng

Khu đất có diện tích khoảng 9,46 ha. Giới hạn bởi các đường Lê Lai, đường Phạm Ngũ Lão, bùng binh Quách Thị Trang, đường Nguyễn Trãi. Chức năng chính của dự án là công viên cây xanh, văn hóa và quảng trường có tượng đài kỷ niệm ngày Nam bộ kháng chiến, cùng một số chức năng phụ là đầu mối giao thông khu trung tâm thành phố (ga xe điện ngầm, trạm điều hành xe buýt) chỗ đậu xe công cộng (tại các tầng hầm dưới công viên) và thương mại, dịch vụ với các phân khu cụ thể như sau: Khu quảng trường (khu A): diện tích 0,89ha, cao trung bình 1 tầng, mật độ xây dựng 2%; khu công viên tượng đài Nam bộ kháng chiến (khu B): 2,64ha (theo thiết kế đường Nguyễn Thị Nghĩa đi ngầm xuyên qua phía dưới công viên, trường hợp đường Nguyễn Thị Nghĩa đi bằng với cao độ công viên thì diện tích khu B sau khi trừ đi phần diện tích lộ giới khoảng 3.300m2 còn lại khoảng 2,31ha), cao trung bình 1 tầng, mật độ xây dựng 5%; khu công viên văn hóa (khu C): diện tích 1,4 ha, tầng cao trung bình 4-5 (khoảng 20m), mật độ xây dựng 15%, hệ số sử dụng đất 0,7; khu công viên cây xanh (khu D): diện tích 3,53 ha, cao trung bình 1 tầng, mật độ xây dựng 5%; khu bến xe buýt (khu E): diện tích 1,0 ha trong đó diện tích dành cho bến xe buýt khoảng 6.000m2, với mật độ xây dựng khoảng 20-30% và hệ số sử dụng đất khoảng 1.
 
Phần còn lại là công viên cây xanh. Bến xe sẽ có giải pháp đưa bãi đậu xe buýt xuống tầng hầm (4 tầng), tối đa diện tích cây xanh trên bề mặt công viên.

Phía dưới công viên là các tầng hầm (tối thiểu 4 tầng) kết nối từ nhà ga metro trung tâm đến bến xe bus, bao gồm các chức năng tầng hầm thương mại và bãi đậu xe công cộng (2.000 chỗ). Cần đảm bảo quy mô phục vụ của bến xe buýt trung tâm và hành lang đi bộ xuyên suốt từ ga metro trung tâm đến bến xe buýt kết hợp với không gian thương mại. Ngoài việc đảm bảo số lượng chỗ đậu xe cho hoạt động thương mại dịch vụ của công trình, cần cung cấp thêm tối thiểu 2.000 chỗ đỗ xe công cộng phục vụ cho khu trung tâm. Đồng thời xác định rõ vị trí tượng đài để có giải pháp thiết kế phù hợp khi làm hầm đậu xe.

Khi tiến hành dự án, nhà đầu tư sẽ thực hiện phần công trình ngầm và giao lại mặt bằng phần công viên phía trên để thành phố tiến hành thực hiện.

Khu đất đối diện khách sạn Park Hyatt (phía Công trường Lam Sơn): cao tối đa 26 tầng

Khu vực này có diện tích khoảng 8.180m2, giáp Công trường Lam Sơn, đường Hai Bà Trưng, Đông Du. Các cạnh còn lại giáp với Khách sạn Caravell và chùa Hồi Giáo. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất chức năng cho khu đất bao gồm chức năng thương mại, dịch vụ, như văn phòng, khách sạn cao cấp, không có chức năng căn hộ.

Do khu đất nằm tại vị trí đặc biệt, lân cận với các công trình có giá trị kiến trúc, bảo tồn cao như Nhà hát thành phố, khách sạn Caravelle, để đảm bảo sự hài hòa về không gian kiến trúc đô thị trong khu vực, nên bố cục công trình theo dạng 3 khối. Khối công trình giáp các mặt đường Đông Du, Hai Bà Trưng và công trường Lam Sơn là khối thấp tầng có tầng cao tương đương khách sạn Park Hyatt. Lùi vào sâu phía trong khu đất là hai khối cao tầng bao gồm: khối song song với công trường Lam Sơn có chiều cao tương đương khách sạn Caravelle kế cận (26 tầng), khối song song với đường Hai Bà Trưng có chiều cao 20 tầng.

Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được đưa ra: Tầng cao tối đa 26 tầng (không kể tầng lửng, hầm và mái che cầu thang), chiều cao tối đa là 104m (nên có chiều cao tương tự khối cao tầng khách sạn Caravele kế cận), mật độ xây dựng tối đa 70%. Khối tháp 20 tầng: 55%-60%; khối tháp 26 tầng: 25%; hệ số sử dụng đất tối đa: 13; khoảng lùi công trình: so với lộ giới phía công trường Lam Sơn; khối bệ 7 tầng: tối thiểu 4m; khối tháp 20 tầng: tối thiểu 30m; khối tháp 26 tầng: tối thiểu 30m. So với lộ giới đường Hai Bà Trưng; khối bệ 7 tầng: được xây sát lộ giới (tầng trệt lùi vào tối thiểu 4m), khối tháp 20 tầng: 10m, khối tháp 26 tầng: 16m.

So với lộ giới đường Đông Du: Khối bệ 7 tầng: được xây sát lộ giới (tầng trệt lùi vào tối thiểu 4m), khối tháp 20 tầng: 10m, khối tháp 26 tầng: 65m. So với các ranh đất còn lại; tất cả các tầng lùi tối thiểu 6m. Không giới hạn số tầng hầm.

Cần lưu ý bố cục kiến trúc công trình phía công trường Lam Sơn mang tính đối xứng với khách sạn Park Hyatt. Có giải pháp nghiên cứu khoảng lùi công trình tạo thành lối đi bộ kết nối phía trong ô phố, mở rộng tầm nhìn từ đường Hai Bà Trưng về phía Nhà hát thành phố. Tầng trệt có khỏang lùi tối thiểu 4 m so với lộ giới và có giải pháp nhằm tạo ra hành lang đi bộ dọc theo các mặt đường.

Khu đất đối diện khách sạn Park Hyatt (phía đường Hai Bà Trưng): hệ số sử dụng đất tối đa: 12

Khu đất có diện tích khoảng 1.1200m2, giáp các đường Thi Sách, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tôn, Cao Bá Quát. Đề xuất chức năng cho khu đất này bao gồm chức năng thương mại, dịch vụ như văn phòng, khách sạn cao cấp, không có chức năng căn hộ kinh doanh. Do khu đất nằm tại vị trí đặc biệt, phía sau Nhà hát thành phố, để đảm bảo sự hài hòa về không gian kiến trúc đô thị trong khu vực, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất các khối công trình cao tầng bố cục về phía giáp mặt đường Lê Thánh Tôn. Khối công trình giáp các mặt đường Hai Bà Trưng và Cao Bá Quát là khối thấp tầng có tầng cao tương đương khách sạn Park Hyatt.
 
Quy mô tầng cao công trình: tối đa 26 tầng (không kể tầng lửng, hầm và mái che cầu thang), chiều cao tối đa: 104m, mật độ xây dựng tối đa: 60%, khối tháp 26 tầng: 25%, hệ số sử dụng đất tối đa: 12, không giới hạn số tầng hầm. Cũng cần lưu ý một số điểm như khu đất đối diện khách sạn Park Hyatt (phía công trường Lam Sơn).

Theo Sài Gòn Giải Phóng