Công tác quy hoạch đất đai vẫn còn nhiều bất cập, gây lãng phí, chưa khai thác hết nguồn lực tài chính. Đặc biệt, việc cung cấp thông tin về đất đai cho người dân còn nhiều hạn chế, chưa minh bạch, làm hạn chế sự tiếp cận của người dân. Chính vì vậy nhiều ý kiến cho rằng, về dài hạn nên bỏ hẳn tiền sử dụng đất, thay thế bằng sắc thuế với thuế suất nhất định nhằm minh bạch, dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho.
Báo cáo khảo sát tình hình công khai thông tin trong quản lý đất đai của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cho thấy, các tranh chấp, xung đột liên quan đến đất đai của công dân tại VN khá phổ biến, chiếm khoảng 70-80% tổng số khiếu nại mà nhà nước phải xử lý. Tuy nhiên, VN vẫn chưa có công cụ giám sát mang tính hệ thống hoặc phản hồi về chính sách làm cho hiệu quả sử dụng đất đai thấp. Việc cung cấp thông tin về đất đai cho người dân còn nhiều hạn chế, chưa minh bạch.
Từ đó WB cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của các bên trong lĩnh vực đất đai, trong đó có sự tham gia, góp ý và giám sát của người dân. Đồng thời, công khai, minh bạch mọi thông tin về quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai, cho phép người dân được tiếp cận thông tin.
Bàn về vấn đề này, trao đổi với Đại Đoàn kết, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm cho rằng công khai minh bạch là điều tất yếu để tạo lòng tin cho dân tạo sự công bằng. Vì các nước trên thế giới muốn tiến lên được cũng phải minh bạch công khai để đảm bảo dân chủ công bằng tạo lòng tin, và sử dụng đồng vốn cho hiệu quả.
Theo nhiều ý kiến chuyên gia, nếu bảng giá đất cao không phù hợp thực tế thì có thể dẫn đến việc các hộ gia đình, cá nhân khi làm thủ tục xin hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở có thể sẽ phải nộp tiền sử dụng đất cao hơn các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở từ năm 2014 trở về trước. Cuối cùng, chi phí tiền sử dụng đất cũng sẽ được tính vào giá thành, người tiêu dùng phải gánh chịu.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BBất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để giảm nhẹ gánh nặng và hỗ trợ cho nhà đầu tư, về dài hạn nên bỏ hẳn tiền sử dụng đất, thay thế bằng sắc thuế với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất nhằm minh bạch, dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin-cho; hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.
Trước vấn đề có nên thay tiền sử dụng đất bằng thuế, vẫn theo ông Cao Sỹ Kiêm, đất đai là tài nguyên của quốc gia nên tiền thu từ thuế đất nên đưa vào sử dụng chung, có thể quy định đầu tư cho dài hạn, phân bổ cho dài hạn chứ không thể lấy để chi tiêu cho ngân sách. Theo ông Kiêm, việc đưa vào ngân sách là chính xác nhưng sử dụng như thế nào lại là vấn đề. Nếu không sẽ mất hết tài sản quốc gia và cuối cùng tái tạo lại xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật để cho đời sống con cháu không đạt, nhất là trong hoàn cảnh ngân sách hiện nay khi bội chi đang tăng.
Còn Luật sư Nguyễn Hữu Danh, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ-pháp luật, UBTƯMTTQ Việt Nam cho rằng, hiện tiền sử dụng đất được thu theo Nghị định của Chính phủ, tuy nhiên thu bao nhiêu cho phù hợp phải do Quốc hội quyết định. "Quan điểm của tôi là tất cả đều phải thu thuế mới đúng. Vì đất đai là sử hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Giờ Nhà nước giao đất rồi thu tiền thì giống như Nhà nước bán đất rồi còn gì. Do đó, về mặt pháp lý thì tất cả các nguồn thu phải bằng cụ thể hóa bằng thuế mới đúng, và mức thu thuế bao nhiêu phần trăm là thẩm quyền của Quốc hội quyết định”- ông Danh cho hay.