Thu hồi dự án và nguy cơ nhũng nhiễu

Cập nhật 22/10/2013 08:10

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất thu hồi, tạm dừng triển khai các dự án bất động sản của Bộ Xây dựng khó thực hiện và rất dễ xảy ra tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”.

Quyết tâm lập lại trật tự

Nhằm khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên đất và giảm hàng tồn kho bất động sản theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất tạm dừng, không cho triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị.

Cụ thể, đối với những dự án giải phóng mặt bằng dưới 30% thì phải dừng lại, từ 30% đến dưới 70% diện tích thì các địa phương phải chủ động đưa ra các phương án giải quyết. Những dự án đã giải phóng mặt bằng trên 70% diện tích, đang thi công dở dang và gặp khó trong thanh khoản, thì được phép cơ cấu lại theo hướng tăng căn hộ có diện tích nhỏ dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.


Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thu hồi dự án bỏ hoang không dễ

Đối với những dự án không phù hợp với nhu cầu, kế hoạch phát triển của địa phương, thì tiến hành điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép kinh doanh tạm kể cả đã giải phóng mặt bằng xong.

Theo Bộ Xây dựng, nếu thực hiện quyết liệt việc này, nguồn cung nhà ở thương mại sẽ giảm được khoảng 30 - 40%, giảm áp lực cho thị trường và sẽ giúp thị trường hồi phục.

 “Nếu kiên quyết xử lý thu hồi và tạm dừng các dự án dở dang theo đề xuất thì tác động từ cơ chế này đối với thị trường bất động sản là không nhỏ”, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá. Tuy nhiên, ông Nam cũng cho biết, thực tế triển khai không như mong muốn, bởi số dự án bất động sản mà các địa phương kiến nghị thu hồi kể từ đầu năm 2013 trên cả nước chỉ là 1% trên tổng số các dự án được rà soát.

Khó thực hiện

Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, đề xuất thu hồi và tạm dừng các dự án bất động sản của Bộ Xây dựng là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cũng cần xem xét cụ thể đối với từng dự án.

 “Việc thu hồi dự án với mong muốn giúp thị trường ấm lên e chừng là quá lạc quan, bởi tâm lý khách hàng vẫn đang chi phối sức mua của thị trường”, ông Nghĩa đánh giá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Cửu, Tổng giám đốc Tổng công ty Handico chia sẻ: “Đề xuất của Bộ Xây dựng được TP. Hà Nội triển khai quyết liệt. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi ủng hộ chủ trương này. Đây cũng là cách loại bớt các chủ đầu tư yếu về tài chính, thiếu về năng lực. Chủ trương này cũng giúp các doanh nghiệp khoanh vùng dự án để biết năng lực thực hiện đến đâu. Nếu không thực hiện được thì phải chấp nhận việc dừng hoặc bị thu hồi. Thực tế, đầu tư dàn trải sẽ làm doanh nghiệp tự suy yếu, bởi không thể gánh nổi khoản chi phí tài chính”.

Tuy cũng cho rằng, việc loại bỏ bớt dự án là điều cần thiết, nhưng ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, không nên đưa ra con số định lượng, mà nên để cung cầu quyết định.

Trong khi đó, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng và ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dù đồng tình với đề xuất của Bộ Xây dựng, nhưng cả 2 đều cho rằng, việc triển khai thực tế là rất khó.

Nguyên nhân là trên thực tế, nhiều dự án, chi phí lót tay của doanh nghiệp để có được dự án nhiều gấp 3-4 lần mức giá ghi trong hợp đồng. Vì vậy, cơ quan quản lý địa phương khó có thể thu hồi dự án, bởi sẽ “há miệng mắc quai”. Hơn nữa, theo quy định, khi muốn thu hồi dự án bất động sản, cơ quan chức năng phải bồi hoàn lại cho chủ đầu tư những khoản đầu tư đã bỏ vào dự án như tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này gần như không thể thực hiện

Đặc biệt, theo ông Liêm, điều quan trọng nhất hiện nay là diện tích đất dự án đã bị dừng rồi sẽ làm gì? Nếu thu hồi mà để không thì thu hồi làm gì, trong khi vẫn phải mất tiền chi phí cho bảo vệ trông coi dự án. Đồng thời, phải căn cứ vào nhu cầu thị trường, bởi có những dự án mới giải phóng mặt bằng 20%, nhưng chủ đầu tư uy tín, vị trí đắc địa thì họ vẫn bán được hàng và ngược lại. Đối với các dự án giải phóng mặt bằng trong khoảng 30 - 70%, khi để các địa phương xem xét, thì nguy cơ tạo ra cơ chế xin - cho, nhũng nhiễu rất cao.

Đó cũng chính là lý do khiến cho số dự án địa phương kiến nghị thu hồi kể từ đầu năm 2013 đến nay chỉ là 1% trên tổng số các dự án được rà soát, thấp hơn nhiều so với mong muốn và quyết tâm của Bộ Xây dựng là từ 30 - 40%.

DiaOcOnline.vn - Theo Tinnhanhchungkhoan