Từ đầu năm 2011 đến nay, UBND TP.HCM không chấp thuận cấp phép địa điểm đầu tư cho bất cứ dự án nào nữa. Do đó, đến cuối năm 2012 và đầu năm 2013, TP tập trung xử lý các dự án đã được cấp phép cho từ năm 2010 trở về trước.
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín trả lời bức xúc của đại biểu (ĐB) và cử tri về quy hoạch, dự án “treo” trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 6, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM, sáng nay 5.10.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, UBND TP chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát lại toàn bộ các dự án xem lý do vì sao chậm trễ và buộc chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết.
Người dân không thể xây sửa nhà cửa vì dự án "treo" khiến ấp Doi (phường 15, Q.Gò vấp) trở thành khu "ổ chuột" nhếch nhác - Ảnh: Đình Sơn
|
Đối với những dự án chủ đầu tư đã hoàn thành xong phần thỏa thuận, đền bù cho người dân mà vẫn chưa triển khai, nếu do vướng thủ tục hành chính thì cơ quan chức năng có nhiệm vụ tháo gỡ cho nhà đầu tư.
Đối với những dự án đã đền bù được trên 50%, UBND sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án theo đúng cam kết, tiến độ và gia hạn tối đa không quá 12 tháng.
Đối với những dự án không thể thỏa thuận đền bù với người dân thì UBND TP sẽ xem xét hủy bỏ quyết định chấp thuận địa điểm đầu tư dự án.
Đồng thời, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch, dự án: Theo luật hiện hành, khi có quy hoạch nhưng Nhà nước chưa tổ chức thực hiện thu hồi đất thì người dân có quyền sử dụng đất theo đúng hiện trạng đất lúc đó. “Nếu địa phương nào làm chưa đúng để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thì phải sửa chữa ngay. Tôi đề nghị các địa phương làm đúng quy định”, ông Tín nói.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề cấp phép xây dựng, UBND TP thừa nhận thực tế đúng như ĐB và cử tri phản ánh là trong khu vực đã có quy hoạch, đã có thỏa thuận địa điểm dự án thì hiện nay đang bị hạn chế xây dựng. Để được cấp phép xây dựng thì phải thỏa mãn điều kiện là phù hợp với quy hoạch 1/500. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, TP.HCM chưa thể phủ kín được quy hoạch 1/500 trên toàn TP.
Vì vậy, UBND TP.HCM quyết định cho phép ở các quận nội thành, việc cấp phép xây dựng dựa theo quy chế xây dựng đô thị. Ở các quận, huyện ngoại thành, việc cấp phép xây dựng dựa theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Ảnh: Nguyên Mi |
Đề xuất tính thuế, phí trên đất dự án chủ đầu tư thuê
Để “ngăn ngừa” dự án “treo”, ĐB Lâm Thiếu Quân (ảnh) đề xuất tính thuế, phí trên đất dự án mà chủ đầu tư thuê.
Theo ông Quân, thuế này được tính % trên diện tích đất dự án chủ đầu tư được giao theo mỗi năm. Như vậy, buộc chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ dự án. Nếu chủ đầu tư không có nhu cầu, năng lực xây dựng dự án thì phải giao đất lại (vì giữ đất thì phải chịu thuế) chứ không giữ đất nữa.
Nhà nước giao đất đúng cho nhà đầu tư có năng lực, có nhu cầu, tránh tình trạng lập dự án, nhận đất được giao rồi để đó, chờ sang nhượng dự án để kiếm lời, gây lãng phí nguồn đất đai.
Mức thuế này đồng thời sẽ giúp điều tiết giá đất, tránh việc làm giá đất “ảo” do đầu cơ.
Mặt khác, mức thuế này sẽ giúp địa phương có thêm nguồn thu để duy tu cơ sở hạ tầng của khu vực (đường xá, chiếu sáng, công viên cây xanh,…).
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên