Thống nhất một giấy cho nhà, đất từ 1/8 tới

Cập nhật 19/06/2009 15:10

Sáng 19/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản với 431/446 đại biểu có mặt tán thành.

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phạm vi điều chỉnh của luật này từ sửa đổi bổ sung một số điều 6 luật đã rút xuống còn 5 luật: Xây dựng, Đấu thầu, Doanh nghiệp, Đất đai và Nhà ở.

Điều 19 và khoản 4 điều 22 của Luật Bảo vệ môi trường không được sửa đổi tại luật này như dự thảo đã trình Quốc hội. Bởi, theo đa số ý kiến, môi trường là vấn đề bức xúc, quy định chặt chẽ như luật hiện hành nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ vi phạm, nay lại nới rộng hơn thì sẽ không thể kiểm soát được.

Về các ý kiến chưa đồng thuận việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Nhà ở trong dự án luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình việc làm này là để thực hiện nghị quyết số 07/2007/QH12 của Quốc hội về thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên cơ sở Luật Đất đai, giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện.

Tên loại giấy mới này là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Theo đó, khoản 20 điều 4 của Luật Đất đai được sửa đổi, bổ sung như sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Luật cũng đã bổ sung quy định việc Chính phủ hướng dẫn về hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo quy định này, Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể để xử lý các trường hợp phát sinh biến động, như khi thực hiện các quyền mà chỉ thay đổi về quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở hoặc quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Theo quy định của luật, cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường ở cấp tỉnh và cấp huyện là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các thủ tục trình Ủy ban nhân dân cùng cấp để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và giao Chính phủ quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Các loại giấy chứng nhận đã cấp trước thời điểm luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý, không phải đổi lại nếu không có nhu cầu. Trường hợp người đã được cấp giấy chứng nhận có nhu cầu thì được đổi sang loại giấy mới theo quy định của luật này mà không phải nộp lệ phí.

Liên quan đến việc sửa một số điều của Luật Đấu thầu, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, luật hiện hành đã có quy định hồ sơ mời thầu phải có yêu cầu cụ thể và tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự đối với từng gói thầu nhưng chưa quy định chế tài xử lý trong trường hợp vi phạm.

Vì vậy, có nhiều chủ đầu tư không coi trọng vấn đề này, dẫn đến tình trạng khá nhiều lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động phổ thông vào Việt Nam làm những công việc mà lao động trong nước hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện.

Để khắc phục tình trạng này, luật đã bổ sung nội dung này vào các hành vi bị cấm tại Điều 12 để có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng nêu trên trong lĩnh vực đấu thầu.

Luật luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2009. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều nội dung quy định trong dự án luật này đã được các cơ quan hữu quan chuẩn bị nhiều lần và đã chuẩn bị các điều kiện để thực hiện. Quy định như vậy để luật sớm đi vào cuộc sống, nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết ngay những vướng mắc trong quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy