Đô thị hóa nhanh, trong khi tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết vẫn "giậm chân tại chỗ" là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong quản lý, khó nâng cao được chất lượng đô thị.
Dự kiến, năm nay Bộ Xây dựng sẽ triển khai chương trình tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, trong đó có các định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật của đô thị.
Đô thị hóa nhanh, quy hoạch chậm
Theo Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hóa cả nước đạt 30,5%, trong đó có 747 đô thị từ loại 5 trở lên. Việc mạng lưới đô thị tiếp tục mở rộng, cùng với sự phát triển các khu công nghiệp, kinh tế cửa khẩu đã tạo động lực phát triển kinh tê -xã hội ở cả khu vực đô thị và nông thôn.
Điển hình như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hàng loạt dự án xây dựng khu đô thị mới đang triển khai theo mô hình đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình kiến trúc, là những nhân tố tích cực đưa hai địa phương này trở thành trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục; đóng góp to lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng GDP và thu ngân sách cho Nhà nước.
Tuy nhiên, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết, là công cụ để quản lý phát triển của đô thị lại rất thấp (trung bình 30-45% diện tích) và không đồng đều giữa các vùng miền. Nếu các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt 70-100% diện tích đất nội thị, thì ở các đô thị nhỏ và vừa, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 25%.
Khu vực Đông Nam bộ, nơi có tốc độ phát triển kinh tế cao, đô thị hóa nhanh, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết cũng chỉ khoảng 50%. Trong khi đó, khu vực Bắc Trung bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều thị trấn chỉ lập quy hoạch cho 5%-10% diện tích đất đô thị.
Điểm đáng chú ý là tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết nhiều năm qua vẫn "giẫm chân tại chỗ", không chỉ do tốc độ đô thị hóa nhanh hơn lập quy hoạch, mà còn do chính các đô thị liên tục được mở rộng diện tích đất xây dựng nhiều lần so với quy hoạch đã lập trước đó.
Hạ tầng không phát triển kịp
Việc thiếu công cụ quản lý là quy hoạch chi tiết đã dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ giữa phát triển, mở rộng không gian đô thị với đổi mới và nâng cao chất lượng đô thị; bất cập giữa năng lực điều hành của chính quyền với việc quản lý đất đai, nhà ở, trật tự xây dựng...
Đơn cử như tất cả các đô thị từ loại 4 trở lên đều đã có hệ thống thoát nước nhưng chưa hoàn chỉnh, tỷ lệ hư hỏng, cần cải tạo rất lớn. Do hệ thống thoát nước mưa và nước thải dùng chung, nên tình trạng ngập, úng khi mưa lớn thường xuyên xảy ra.
Tương tự, rác thải công nghiệp, sinh hoạt thu gom được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp. Việc áp dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng nhằm giảm thiểu ô nhiễm và hạn chế chôn lấp chỉ mới triển khai thí điểm ở vài địa phương. Tình trạng xả rác bừa bãi, hình thành các bãi rác tự phát tại khu dân cư... không giảm.
Tại Hà Nội, một trong những thành phố có tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết cao nhất, công tác quản lý trật tự xây dựng, kiến trúc, giao thông vẫn hết sức khó khăn. Trong khi, nhiều công trình siêu mỏng, siêu méo, xây dựng sai phép chưa được xử lý triệt để tại khu vực Hà Nội (cũ), thì tình trạng xây dựng không phép diễn ra tràn lan tại khu vực Hà Nội mở rộng.
Nhiều huyện cả năm chỉ cấp 2-3 giấy phép xây dựng với lý do các điểm dân cư chưa có quy hoạch, nên không biết quản lý và cấp phép như thế nào. Hệ thống giao thông thường xuyên quá tải, dẫn đến ùn tắc vào giờ cao điểm. Mạng lưới điểm đỗ xe thiếu nghiêm trọng, trong khi quy hoạch bến, bãi nhiều năm qua vẫn chưa triển khai được.
Sẽ có định hướng phát triển đô thị
Để khắc phục những điểm bất cập về hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cấp nước, quy hoạch thoát nước, quy hoạch xử lý chất thải rắn cho 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, miền Trung và phía Nam.
Dự kiến, trong năm nay Bộ sẽ xây dựng chương trình triển khai "Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050"; đồng thời công bố thực hiện định hướng phát triển cấp nước đô thị quốc gia, định hướng phát triển thoát nước đô thị, chiến lược quản lý chất thải rắn tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020.
Ngoài ra, một số dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn ODA cũng được triển khai tại các địa phương còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, có hai vấn đề chính khiến cho việc lập và điều chỉnh quy hoạch chậm, không đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Thứ nhất, lực lượng cán bộ tại các cấp cơ sở thiếu về số lượng, yếu về năng lực chuyên môn. Thứ hai, vốn cho công tác quy hoạch không đáp ứng đủ nhu cầu lập quy hoạch xây dựng phục vụ quản lý và phát triển đô thị.
Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, nhưng các địa phương vẫn chưa triển khai triệt để việc sử dụng nguồn vốn sự nghiệp cho công tác lập quy hoạch chi tiết. Vì vậy, việc nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết và nâng cao chất lượng đô thị... vẫn phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của các địa phương.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới