Thiếu đất phát triển, TP.HCM chuyển 2.000ha đất nông nghiệp sang công nghiệp

Cập nhật 11/12/2019 08:15

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho TP.HCM chuyển hơn 30.000 ha đất nông nghiệp sang đất khác. Trong đó, thành phố sẽ dành 1.999ha cho phát triển công nghiệp.



Đây là thông tin được Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tại hội nghị "Các ngành công nghiệp thành phố - Vai trò và tiềm năng phát triển" do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Phương Đông, thời gian qua, công nghiệp trên địa bàn TP.HCM có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.

Đến nay, giá trị gia tăng công nghiệp của thành phố chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp toàn quốc.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, ngành công nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của thành phố. Cụ thể, đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng về nhu cầu sử dụng cũng như về giá thuê đất. Thành phố đang thiếu quỹ đất thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn trong nước, nước ngoài thuê.

Giá thuê đất, mặt bằng sản xuất ở thành phố còn cao so với các khu chế xuất - khu công nghiệp ở các khu vực lân cận, khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất sản xuất và có xu hướng chuyển đầu tư ra khu vực tỉnh, thành lân cận. Chưa kể, thu hút đầu tư của thành phố đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố.

Các chính sách hỗ trợ của thành phố cho công nghiệp dù được quan tâm nhưng chưa thật sự mạnh mẽ, chưa khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, trong khi nhiều khó khăn, vướng mắc từ các cơ chế, quy định pháp luật về đầu tư sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm chưa được giải quyết căn cơ.

Vì vậy, theo ông Phong, ưu tiên tới đây của thành phố là sẽ xây dựng chính sách mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến chế tạo một cách quyết liệt hơn. Đồng thời, thành phố lập hội đồng phát triển doanh nghiệp ở từng lĩnh vực và đối thoại trực tiếp từng quý để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong từng lĩnh vực, thành phố cũng ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh, sẵn sàng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển các thương hiệu.

Tronng khi đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Do vậy, để có thể xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp, thành phố cần tăng cường đối thoại, tiến tới phối hợp doanh nghiệp để hình thành hội đồng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực với đầy đủ thành phần kinh tế tham dự. Có như vậy, khi ban hành chính sách hỗ trợ mới sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn – Theo Một thế giới