Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Luật Xây dựng cơ bản - XDCB) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2009, được kỳ vọng là sẽ tháo gỡ nhiều.
Đây là lần thứ hai, Quốc hội thông qua một luật sửa đổi nhiều luật (trước đó, vào ngày 18/6/2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai). Tuy nhiên, khác với lần trước, việc đề xuất, nghiên cứu, sửa đổi và tiến hành thông qua Luật XDCB phức tạp hơn nhiều do phạm vi sửa đổi rộng.
Cụ thể, Luật XDCB đã tập trung giải quyết các vướng mắc lớn nhất đang cản trở tiến độ giải ngân các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, được quy định rải rác tại Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở và Luật Đất đai.
Theo đánh giá chung của các đại biểu Quốc hội, mặc dù số điều luật sửa đổi, bổ sung có giới hạn hơn so với dự kiến ban đầu, nhưng Luật XDCB tạm đủ sức giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư XDCB trong năm 2009 và các năm tiếp theo, góp phần thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế.
Đối với Luật Xây dựng, Luật XDCB đã sửa đổi, bổ sung 8 điều từ việc quy định cụ thể năng lực hành nghề xây dựng, hoạt động xây dựng; thẩm quyền quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; quản lý chi phí dự án đến việc quy định cụ thể về giám sát, đánh giá hiệu quả các dự án, công trình…
Với những sửa đổi này, Luật XDCB đã giải quyết cơ bản nhiều vấn đề nổi cộm hiện nay là bảo đảm các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế thị trường trong việc quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án, quản lý chi phí; làm rõ hơn nội dung về hoạt động xây dựng có điều kiện…
Và đặc biệt là đơn giản thủ tục đầu tư, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư trong tất cả mọi khâu khâu, phù hợp với các luật khác liên quan đến đầu tư XDCB chưa có điều kiện sửa đổi; bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng công trình bằng nguồn vốn nhà nước vốn lâu nay được nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận đang bị thất thoát, lãng phí rất lớn.
Đối với Luật Đấu thầu, Luật XDCB sửa đổi, bổ sung 21 điều từ những vấn đề nhạy cảm và luôn gây tranh cãi như bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, chỉ định thầu, phân cấp trong đấu thầu… đến vấn đề thời sự đang nổi lên là tình trạng người lao động phổ thông nước ngoài làm việc tại Việt Nam đối với những công trình mà nhà thầu nước ngoài trúng thầu.
Với sự sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật XDCB sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho người quyết định đầu tư trong công việc sơ tuyển nhà thầu, quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu; tăng cường phân cấp trong đấu thầu cho chủ đầu tư đi đôi với việc tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử phạt của người quyết định đầu tư; cho phép người quyết định đầu tư được quyền hủy, đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu khi có căn cứ cho thấy có hành vi sai trái trong quá trình lựa chọn nhà thầu làm thiệt hại lợi ích của nhà nước, nhằm rút ngắn thời gian trong đấu thầu và gắn trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư đối với chất lượng công trình.
Đối với Luật Doanh nghiệp, Luật XDCB đã tạo điều kiện thời gian dài hơn cho doanh nghiệp chuyển đổi đăng ký lại theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Trước đây, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước thời điểm ngày 1/7/2006 phải thực hiện đăng ký lại và tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp sau 2 năm kể từ ngày 1/7/2006, thì nay, theo Luật XDCB, thời hạn đăng ký lại được thực hiện trong thời gian 5 năm kể từ ngày 1/8/2009.
Ngoài ra, việc sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở và Luật Đất đai, nhất là việc áp dụng thống nhất một "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" đã đánh dấu một bước tiến mới trong cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính.
Để đưa Luật XDCB đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật cũng như kiểm tra, giám sát việc thực thi.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư