Thành phố Hồ Chí Minh: Sẽ tạo lập mặt bằng mới về chính sách đất đai

Cập nhật 01/09/2007 11:00

“Tình trạng nhiều dự án treo, dự án triển khai chậm ở TP.Hồ Chí Minh đã góp phần làm phát sinh những vấn đề phức tạp về đất đai”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét khi làm việc với HĐND, UBND TP.HCM sáng 30/8, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và thực hiện chính sách pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng, giải quyết các vấn đề xã hội liên quan cho người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn. Đoàn đã trực tiếp làm việc với chính quyền các quận 2, 4, huyện Củ Chi và Bình Chánh để đánh giá tình hình.

Tuy cho rằng TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng kiến và năng động trong việc đưa ra những quy định riêng (ngoài các quy định chung của Nhà nước) nhằm hỗ trợ cho người dân có đất bị thu hồi trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), đẩy nhanh tiến độ giao đất cho các chủ dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên vẫn yêu cầu chính quyền TP hệ thống lại và có đánh giá toàn diện về những quy định thêm này, loại bỏ ngay những quy định chỉ để “được việc trước mắt” song dễ gây ảnh hưởng xấu về lâu dài.

Trong đó, chú ý đến cả những quy định kết hợp giữa lý và tình trong quá trình giải quyết các vấn đề đất đai, phân định dự án công ích và dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh để chọn một cơ chế giá đền bù hợp lý chung, trên cơ sở xem xét kỹ các nhân tố ảo từ thị trường đất đai, liên hệ và ảnh hưởng tới các địa phương lân cận và trong toàn vùng. Sắp tới, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, Quốc hội sẽ xem xét toàn bộ các quy định riêng của các địa phương để quyết định hợp lý hóa trong các văn bản pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị TP đẩy nhanh việc cấp GCNQSDĐ đối với đất ở, đất công sở và phi nông nghiệp trên cơ sở xem xét cả khía cạnh kỹ thuật và kinh tế, thiết lập một mặt bằng mới để quản lý đất đai, hạn chế thấp nhất những phát sinh tiêu cực, tạo điều kiện cho thị trường đất đai phát triển lành mạnh và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong quá trình thực hiện các quy định về đất đai.
 
Ông cho biết, Quốc hội sẽ dựa trên kết quả giám sát ở các địa phương để hệ thống lại và tiếp tục hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật về đất đai nhằm đảm bảo sự thống nhất, thông suốt trong triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cũng như giữa các địa phương theo hướng đảm bảo sự phát triển và hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia.

HĐND và UBND TP.HCM đã nêu nhiều kiến nghị xung quanh việc xác định “giá thị trường theo điều kiện bình thường” trong quá trình thực hiện đền bù, GPMB, tái định cư. Trong 700 dự án có thực hiện bồi thường, giải tỏa từ năm 1998 đến ngày 30/6/2006 (đã hoàn thành 311 dự án) trên địa bàn, tổng số chi phí bồi thường, hỗ trợ lên tới gần 32.800 tỷ đồng, diện tích đất bị thu hồi trên 95 triệu m2 và hơn 100.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
 
Cơ chế “giá bồi thường thấp được hỗ trợ bằng giá tái định cư thấp” cùng với tiến độ xây dựng các khu tái định cư chậm đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ bồi thường, GPMB, chính quyền TP hiện vẫn rất lúng túng trong việc tạo quỹ nhà, đất tái định cư...

TP.HCM đề nghị Trung ương giao quyền chủ động cho các tỉnh, thành ban hành quy định về bồi thường phù hợp đặc thù địa phương, thay đổi mức thu tiền sử dụng đất bằng 15 - 20% giá đất quy định được công bố hàng năm và điều chỉnh mức hỗ trợ di dời cho người đang ở nhà thuê thuộc sở hữu Nhà nước bằng những trường hợp nhà ở thuộc sở hữu tư nhân...

Thành phố cũng đề nghị sửa đổi những quy định hiện hành về phương pháp xác định giá đất và khung giá đối với các loại đất, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách về đất đai cũng như có chính sách điều tiết phù hợp đối với hoạt động kinh doanh địa ốc liên quan đến các dự án.
 
Mặc dù chia sẻ những băn khoăn của TP.HCM về vấn đề giá đất, thực hiện cơ chế, chính sách liên quan, song Phó Chủ tịch Quốc hội cũng như các thành viên trong Đoàn giám sát (đại diện cho các Ủy ban khác của Quốc hội) lưu ý TP cần quan tâm hơn nữa đến khía cạnh xã hội, đời sống của người dân sau tái định cư, đảm bảo phát triển bền vững đi đôi với ổn định xã hội.

Theo Bộ TN & MT VN