Thành phố Hồ Chí Minh: Để thông tin quy hoạch không bị trễ hẹn

Cập nhật 04/03/2008 14:00

Hiện sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cùng với các quận, huyện đang hoàn tất để công bố thông tin quy hoạch đối với nhà liên kế. Từ cuối tháng 3.2008 trở đi, người dân xây, cải tạo nhà liên kế không còn phải xin thông tin quy hoạch và sẽ rút ngắn rất nhiều thời gian xin giấy phép xây dựng

Giám đốc sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM Nguyễn Trọng Hoà nói: “Lâu nay, công tác quản lý quy hoạch đang trong quá trình hoàn chỉnh. Sự phát triển đô thị dồn dập nhưng công tác quy hoạch chưa đi trước một bước được vì không lường trước sự gia tăng dân số quá nhanh và chúng tôi phải chạy theo để đảm bảo sự phát triển của thành phố”.

Thông tin quy hoạch: trễ hẹn thường xuyên

* Bên cạnh chuyện “vẽ” ra trên bản đồ đâu là đất làm nhà ở, đất công cộng…, điều mà người dân, nhà đầu tư cần biết là các thông tin quy hoạch. Nhu cầu này sẽ được giải quyết như thế nào?

Rõ ràng chúng ta dễ dàng vẽ mặt một tờ giấy chỗ này là công trình, chỗ kia là công cộng. Nhưng công cộng bao nhiêu, cao bao nhiêu tầng… và các thông tin khác thì người dân, nhà đầu tư muốn có thì phải “xin”. Theo quy định, việc cung cấp thông tin sẽ được thực hiện trong vòng bảy ngày (thông tin đơn giản) và không quá 30 ngày (thông tin phức tạp), mà không mất bất kỳ khoản phí, lệ phí gì.

* Thưa ông, thực tế, quy định về thời gian nêu trên có được đảm bảo?

Đa phần đều chậm hơn bởi trước những đề nghị từ phía người dân, nhà đầu tư, nhưng chúng tôi không có thông tin hoặc có mà chưa đầy đủ thì lấy gì cung cấp. Nếu tôi ngồi không, đợi anh đến thì bảy ngày có thể xong chứ đằng này cùng lúc giải quyết cả ngàn cái bảy ngày khác thì làm sao đảm bảo được.

* Sở Quy hoạch kiến trúc có biện pháp gì để thông tin được cung cấp cho người dân sớm nhất và cũng để họ tin rằng sự chậm trễ đó không có động cơ tiêu cực?

Lâu nay việc trễ hẹn thường xuyên nhưng chưa được xử lý rõ ràng vì ngại làm căng quá thì nhân viên bỏ việc. Tuy vậy, chúng ta phải chấp nhận, xử lý mạnh các cán bộ có biểu hiện tiêu cực bằng việc luân chuyển, kỷ luật.

Nhà liên kế: khỏi cần phải xin

* Một trong những quy định mới là từ tháng 3.2008, nhà liên kế không cần phải thoả thuận quy hoạch. Ông có thể nói rõ hơn quy định này?

Thời gian qua, mỗi lần người dân xây dựng là phải đi hỏi thông tin quy hoạch, rất phiền hà. Cuối năm 2007, UBND thành phố ban hành quy định liên quan đến nhà liên kế trên các tuyến đường và đã trả lời thắc mắc: nhà liên kế trên các tuyến đường xây dựng ra sao.

Căn cứ vào đó, người dân sẽ biết được nhà họ được xây thế nào mà không cần phải hỏi. Bây giờ, người dân biết cái nhà của mình được xây mấy tầng rồi thì cứ ra bản vẽ rồi đến sở Xây dựng xin giấy phép xây dựng.

* Nhưng quy định đã có hiệu lực từ ngày 18.12.2007 nhưng đến nay thông tin quy hoạch vẫn chưa được công bố?

Theo quy định trên, nhà để ở không thì cao năm tầng (chiều ngang lớn hơn 3,3m). Nhà nằm ở trung tâm thì tự động được sáu tầng. Nếu nằm trên trục đường lớn, trung tâm thì thêm tầng nữa, là bảy. Và nếu bề ngang lớn hơn 6,6m thì nó được thêm một tầng nữa, tức tám tầng.

Thời gian qua chúng tôi đã triển khai nhưng nhiều nơi còn chờ lấy ý kiến của người dân. Hiện sở Quy hoạch kiến trúc và các quận, huyện đang xác định đâu là trung tâm, đâu là trục thương mại, trục chính để xác định “yếu tố cộng thêm tầng”.

Khi có kết quả, chúng tôi và các quận, huyện ký bản thoả thuận rồi đính kèm quyết định 135 và công khai cho người dân. Từ ngày 30.3.2008, người dân khu vực nhà liên kế hoàn toàn có đầy đủ thông tin khi cải tạo, sửa chữa nhà.

Tầng trệt phải lùi vào 3m

Ở vùng trung tâm, thương mại người dân được thêm hai tầng nữa, ở tầng trệt buộc phải lùi vào 3m làm nơi để xe hoặc nếu nhiều quá thì dành nguyên tầng trệt để xe. Quy định này giúp cho đô thị không có chuyện để xe ở vỉa hè.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cũng đồng ý để sở Quy hoạch kiến trúc chuyển việc cung cấp thông tin quy hoạch cho các quận huyện. Sở Quy hoạch kiến trúc chỉ cung cấp thông tin đối với các dự án lớn, các ô phố khu trung tâm.


Theo Sài Gòn Tiếp Thị