Bộ Xây dựng vừa có công văn số 12/BXD-TTr chấp thuận cho Sở Xây dựng Hà Nội thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện đối với những địa bàn mới sáp nhập vào Hà Nội.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, đối với Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn nên căn cứ tình hình thực tế về trật tự xây dựng để thành lập.
Bộ Xây dựng yêu cầu Sở Xây dựng TP Hà Nội lập đề án về việc bố trí, sắp xếp, thành lập mới lực lượng thanh tra xây dựng tại các địa bàn mới sáp nhập, trình Chủ tịch UBND TP Hà Nội phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện; khẩn trương kiện toàn lực lượng thanh tra xây dựng, đáp ứng tình hình thực tiễn hiện nay.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Quyết định 89/2007/QĐ-TTg), Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 Thành phố được thí điểm thành lập Thanh tra xây dựng quận, huyện và Thanh tra xây dựng xã, phường, thị trấn.
Theo đó, Thanh tra xây dựng cấp quận có nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng công trình trên địa bàn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về xây dựng; xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền; quyết định đình chỉ thi công xây dựng đối với các công trình vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp phường nhưng không xử lý kịp thời hoặc do buông lỏng quản lý...
Thanh tra xây dựng cấp quận có Chánh thanh tra, 1 - 2 Phó Chánh Thanh tra và một số Thanh tra viên. Biên chế Thanh tra xây dựng cấp quận có từ 15 đến 20 Thanh tra viên và một số chức danh khác.
Thanh tra xây dựng cấp phường thực hiện việc tiếp nhận và xác nhận việc chủ đầu tư xây dựng công trình nộp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xây dựng công trình trên địa bàn; đồng thời, phát hiện và kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật như xây dựng không phép, xây dựng sai giấy phép, xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ của công trình hạ tầng kỹ thuật, lấn chiếm vỉa hè, đường phố...
Biên chế của Thanh tra xây dựng cấp phường thuộc chỉ tiêu biên chế hành chính của cấp quận, có từ 3 - 4 Thanh tra viên.
Theo Hà Nội Mới