Quận Thanh Xuân ra quân xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN) |
Sáng 5/7, ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đến nay trên địa bàn 9 quận, huyện gồm Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Từ Liêm, Hoài Đức của thành phố có 425 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng công trình.
Tại buổi họp bàn về các giải pháp xử lý nhà, đất siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố, còn lại 4 quận, huyện Gia Lâm, Long Biên, Thanh Trì và Hà Đông đang tiếp tục rà soát, thống kê...
Phần lớn các trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo đều tồn tại trước ngày 15/3/2005 (ngày quyết định số 39/2005/QĐ-TTg về trường hợp mặt bằng không đủ để xây dựng nhà có hiệu lực); một phần do công tác quản lý nhà, đất của các quận, huyện còn lỏng lẻo nên đã phát sinh các trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo sau khi có Quyết định số 39.
Để xử lý dứt điểm các trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các quận, huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các phương án xử lý theo Quyết định số 15/2011/QĐ/Ủy ban Nhân dân của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quy định xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng đang tồn tại dọc theo các tuyến đường giao thông và nguyên tắc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, đối với các trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo có thể hợp khối phải có sự thỏa thuận của Sở Quy hoạch kiến trúc nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch. Đối với trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo phải thu hồi, giải phóng mặt bằng, yêu cầu các quận, huyện phải làm theo đúng thủ tục thu hồi đất theo quy hoạch. Đặc biệt, đối với những trường hợp sau khi vận động, thuyết phục người dân hợp khối nhưng vẫn không thỏa thuận được thì bắt buộc phải cưỡng chế.
“Tất cả các quận, huyện đều triển khai đồng bộ, quyết liệt, vận động người dân thực hiện theo đúng Quyết định số 15 của thành phố đã ban hành và trong tháng 10 phải hoàn thành,” ông Khôi nhấn mạnh.
Cùng với đó, hàng tháng thành phố sẽ tổ chức giao ban về chuyên đề này; hàng tuần Sở Xây dựng làm việc định kỳ với quận, huyện tháo gỡ khó khăn từng trường hợp. Sở Kế hoạch-Đầu tư và Sở Tài chính có trách nhiệm chuẩn bị kinh phí thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng phần diện tích nhà, đất siêu mỏng, siêu méo.
Trước đó, quận Thanh Xuân được thành phố chỉ đạo làm điểm xử lý nhà, đất siêu mỏng, siêu méo. Đến nay, trong tổng số 70 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng trên địa bàn quận, đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định chấp thuận cho hợp khối 5 trường hợp, còn lại 65 trường hợp phải thu hồi.
Hiện nay Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân đã có văn bản Hướng dẫn việc hợp thửa đất hoặc hợp khối nhà đối với các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng để thực hiện.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+