Thách thức dãn dân

Cập nhật 16/02/2010 12:30


Một người dân phố Hàng Bồ nhóm bếp nấu cơm trong ngõ.
Kết quả điều tra mới nhất của Ban quản lý phố cổ Hà Nội về nguyện vọng của cư dân phố cổ cho thấy, chỉ có 6,7% số hộ muốn thay đổi nơi ở mới. Điều này cho thấy, rõ ràng đề án "Dãn dân khu phố cổ" sẽ gặp phải vô vàn khó khăn, thách thức.

Khó nhất là dân chưa đồng thuận

Theo thống kê của Ban quản lý phố cổ HN, đang có khoảng 30 dự án của các chuyên gia trong và ngoài nước góp ý về bảo tồn phố cổ Hà Nội. Nhưng hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức độ nghiên cứu chuyên môn bởi nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất vẫn là người dân không chịu di dời, giải phóng mặt bằng.

Đơn cử như một số dự án trên công trình đơn lẻ được thực hiện như: 51 Hàng Bạc, 38 Hàng Đào, 87 Mã Mây... Các dự án cải tạo đình Quan Đế, 28 Hàng Buồm, đình tổ nghề Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc...

Cái khó nhất trong việc thực hiện mỗi đề án là sự đồng thuận giữa người dân, chính quyền và chủ dự án. Người dân phố cổ đa phần khi được phỏng vấn đều trả lời rằng dù sống khổ đến mấy, họ vẫn muốn bám trụ lại phố cổ.

Anh Nguyễn Đông Giang (phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm) dù thừa nhận là trừ những nhà ở mặt đường, cuộc sống của những hộ dân sống phía trong vô cùng chật chội, khổ sở, nhưng vẫn khẳng định: "Dù có chật chội hay khổ như thế nào thì tôi và gia đình vẫn cố gắng “bám trụ” bởi chúng tôi từ bé đến lớn đã gắn liền với phố cổ, những thói quen sinh hoạt hằng ngày đã tạo cho chúng tôi những tình cảm đặc biệt, mà nếu như phải chuyển đi ai cũng thấy luyến tiếc".

Chỉ cần một ấm trà, bao thuốc lá, một gánh bún đậu mắm tôm, một mẹt hàng quà cũng đủ nuôi sống cả gia đình. Trong khi đó, sang nơi ở mới, việc kiếm ăn không dễ dàng. Với phương án mà UBND quận Hoàn Kiếm nêu "Các khu đô thị của TP như khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên (nơi một phần người dân phố cổ sẽ chuyển tới) đều quy hoạch những diện tích kinh doanh và sẽ ưu tiên cho những người dân phố cổ thuê" thì ai cũng hiểu, đó là về mặt lý thuyết.

Còn trên thực tế, việc kinh doanh ở phố cổ - nơi tập trung đông đảo người dân và hoạt động buôn bán nhộn nhịp - với việc kinh doanh tại một địa bàn cách xa trung tâm cả 4 - 5 km như ở Việt Hưng là hoàn toàn khác nhau. Người dân không muốn đổi lợi ích có thật ngay trước mắt lấy một điều đang còn xa xôi và bất định như vậy.

Bên cạnh đó, KTS Tô Thị Toàn - nguyên Trưởng BQL phố cổ, người quá thấu hiểu vấn đề - phân tích thêm: "Nhiều hộ dân sống trong một số nhà, nhưng đang có tranh chấp hoặc giấy tờ sở hữu không rõ ràng, bị thất lạc sau nhiều năm cũng lo sợ, nếu chuyển sang khu ở mới sẽ không đủ thủ tục pháp lý để được cấp nhà mới. Trong khi đó, tại nơi cũ họ sống vẫn ổn".


Nấu cơm trong ngõ. Ảnh: Giang Huy.

Mục tiêu di dời 3 vạn dân: Vẫn còn xa xăm

Với mật độ dân số vào loại cao nhất trên thế giới (khoảng 84.000 người/km2), chia trung bình mỗi cư dân trên phố cổ Hà Nội chiếm một khoảnh đất khoảng 12m2. Tuy nhiên, diện tích nhà ở trên đầu người thì thấp hơn nhiều. Theo điều tra mới nhất của UBND quận Hoàn Kiếm, con số này là 1,5-2m2/người. Theo BQL phố cổ HN, mục tiêu đến năm 2020 của dự án di dân phố cổ là di dời khoảng 3 vạn dân ra khỏi khu vực để mật độ dân số của nơi này giảm xuống mức 5 vạn người/km2 (hiện tại mật độ là 8,4 vạn người/km2)

Dường như lường trước được những khó khăn này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - trong buổi làm việc với quận Hoàn Kiếm về công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cổ cuối tháng 2.2009 - đã nhấn mạnh: “Về công tác dãn dân phố cổ, cần coi trọng việc bàn bạc, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, tạo đồng thuận trong quá trình thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, chống tiêu cực trong quá trình thực hiện”.

Còn ông Hoàng Công Khôi - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, Trưởng ban quản lý phố cổ - cũng thừa nhận, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, động chạm đến nơi ở của các hộ dân, cũng là nơi mưu sinh của họ. Do vậy, phải tiến hành từng bước thật thận trọng. Sau khi đề án "Dãn dân phố cổ" được TP duyệt, lúc đó BQL sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng dân cư và ý kiến chuyên môn của các nhà khoa học…

Cũng có không ít người dân phố cổ đồng tình với đề án này, bởi họ đã phải chịu đựng cảnh sống khổ sở từ nhiều chục năm nay. Bác Nguyễn Thu Hương (phố Hàng Đào, phường Hàng Đào) than thở: "Không gian sống đã bị các hộ dân tận dụng, thu hẹp ở mức tối đa. Mỗi mét vuông đều bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán, làm kho chứa hàng. Ai cũng nghĩ ở phố cổ là sướng, là nhà có thể cho thuê hàng chục triệu đồng/tháng hay bán đi cả trăm cây vàng... nhưng thực tế đâu phải vậy".

Có ý kiến lo lắng dãn dân sẽ làm mất đi văn hóa phố cổ. Nhưng theo như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc thì "Văn hoá phố cổ không hiện hình cụ thể, văn hoá chính là sinh hoạt thôi". Vì thế, hoàn toàn có thể hi vọng vào sự khả thi của đề án này, vì rất có thể “người dân phố cổ đủ sức làm nên một khu phố mới, một “Hoàn Kiếm” mới hiện đại cho TP”, theo như GS Phạm Huy Dũng đã nhận định.

Giai đoạn 1 của đề án, khoảng 1.900 hộ dân (khoảng gần 1 vạn người) phải di chuyển sang khu đô thị Việt Hưng gồm những đối tượng bắt buộc (các hộ dân sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích, trường học, công sở, các công trình có nguy cơ sụp đổ) và khoảng 280 hộ tự nguyện - chiếm 10% tổng số dân sống trong phố cổ. Giai đoạn này có thể khả thi. Tuy nhiên, mục tiêu của đề án đến năm 2020 phải di dời được khoảng 3 vạn dân ra khỏi khu phố cổ thì còn xa xăm lắm.

Người dân nói gì

Bác Trần Văn Huy (phố Nguyễn Siêu, quận Hoàn Kiếm): Dãn dân phố cổ là chủ trương đúng đắn, hợp lý. Theo tôi, việc dãn dân khu phố cổ là một chủ trương đúng đắn, bởi cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khổ sở, cái gì cũng phải chung chạ, chật chội. Theo tôi nghĩ, việc khó nhất là vận động bà con sang sống tại khu dãn dân bên Việt Hưng (quận Long Biên) bởi gia đình nào cũng đã gắn liền với khu phố này qua nhiều thế hệ, tất cả nơi thờ tự, mảnh đất hương hỏa của gia đình đều ở đây. Sẽ rất khó chuyển họ đi nếu như thành phố không có một chủ trương đồng bộ, có sức thuyết phục.

Anh Nguyễn Đông Giang (phố Hàng Chiếu): Khổ mấy cũng không đi. Tôi phải thừa nhận là trừ những nhà ở mặt đường có thể kinh doanh buôn bán hay cho thuê cửa hàng với giá hàng trăm, hàng nghìn USD một tháng, còn lại, cuộc sống của những hộ dân sống phía trong diễn ra vô cùng chật chội, khổ sở. Tuy nhiên, dù có chật chội hay khổ như thế nào thì tôi và gia đình vẫn cố gắng “bám trụ” tại nơi đây, bởi chúng tôi từ bé đến lớn đã gắn liền với phố cổ, những thói quen sinh hoạt hằng ngày đã tạo cho chúng tôi những tình cảm đặc biệt, mà nếu như phải chuyển đi ai cũng thấy luyến tiếc.

 


Sinh hoạt hằng ngày trong con ngõ chật hẹp. Ảnh: G.Huy

Anh Nguyễn Duy Thanh (phố Hàng Bạc)
: Cần nhất là đảm bảo cuộc sống sau khi dãn dân. Thiết nghĩ, việc quan trọng nhất trong thời điểm này chính là quy hoạch, sắp xếp sao cho thật hợp lý chỗ ở, nơi kinh doanh buôn bán của người dân di dời, bởi vấn đề cốt lõi khiến người dân phố cổ bám trụ tại đây là họ có thể dễ dàng kiếm tiền. Ngoài ra, đặc trưng của phố cổ chính là những phố nghề truyền thống, dãn dân liệu có đảm bảo được cho họ những nghề nghiệp để họ có thể mưu sinh, có tạo điều kiện cho họ học nghề mới để đáp ứng cho những ai có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp...

Bác Nguyễn Thu Hương (phố Hàng Đào): Cần sớm triển khai kế hoạch dãn dân. Cuộc sống nơi phố cổ của chúng tôi vô cùng khổ sở, bởi mỗi mét vuông đều bị chiếm làm nơi kinh doanh, buôn bán, làm kho chứa hàng. Ai cũng nghĩ ở phố cổ là sướng, là gần trung tâm, là nhà có thể cho thuê hàng chục triệu đồng/tháng hay bán đi cả trăm cây vàng... nhưng thực tế đâu phải vậy. Nhiều gia đình phải sống trong phố cổ hun hút, bởi họ không phải là chủ sở hữu ngôi nhà thực sự, cũng chẳng có giấy tờ chứng minh nguồn gốc đây là sở hữu của mình. Ai cũng sợ cảnh bị đề nghị dãn dân, không giấy tờ trong tay thì bị “đẩy” ra đường, nên nhiều khi sống khổ sở nhưng họ vẫn chấp nhận.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động