Tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng đất

Cập nhật 17/08/2007 10:00

Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu trình UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị về chấn chỉnh và tăng cường quản lý sử dụng đất của các dự án có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Theo đó, thành phố sẽ có nhiều biện pháp hữu hiệu xử lý những dự án "treo".

Từ năm 2003 đến nay, Sở TN - MT TP.HCM đã thu hồi 53 dự án hạ tầng chậm triển khai với tổng diện tích hơn 786 ha, nhưng hiện nay trên địa bàn TP.HCM vẫn còn tới 51 dự án hạ tầng khác đang "treo" gây bức xúc trong dư luận.

Khổ cả dân lẫn DN

TS Trần Thế Ngọc - Giám đốc Sở TN - MT cho biết, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng "treo" của các dự án. Đó là: Khó khăn trong công tác GPMB; Việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, giao đất - cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng làm cơ sở pháp lý cho chủ đầu tư triển khai dự án còn quá chậm; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung trong khu vực chưa có hoặc còn thiếu đồng bộ nên chủ đầu tư không thể triển khai dự án; Chi phí đầu tư vào đất cao, trong khi DN rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; một số chủ đầu tư không có năng lực vốn và quản lý dự án, thậm chí có DN chỉ lập dự án để được thu hồi đất - giao đất nhưng không đầu tư mà ngay sau đó tìm cách chuyển nhượng hưởng chênh lệch.

Người dân ở phường 28 quận Bình Thạnh (khu vực Bình Quới - Thanh Đa) đã phải sống trong 15 năm qua với cảnh nhếch nhác, tạm bợ vì không thể sửa chữa nhà cửa bởi quy hoạch "treo" của dự án xây dựng khu vực này thành khu dân cư - du lịch - nghỉ dưỡng sinh thái. Tương tự, dự án 18,9 ha tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cũng đã "treo" người dân sở tại suốt từ năm 2000 đến nay. Rồi 60 ha của dự án đường sắt Bình Triệu cũng khiến người dân không thể sang nhượng hay sửa chữa nhà cửa...

Không chỉ người dân mà nhiều DN cũng vô cùng bức xúc bởi không thể thỏa thuận đền bù được cho dân, vì người dân đòi giá đền bù phải sát giá thị trường. Trong khi đó, không ít chính quyền địa phương gần như phó mặc toàn bộ công việc này cho phía DN.

Theo khảo sát của Sở TN - MT, TCty Xây dựng Sài Gòn - chủ đầu tư của dự án "treo" Bình Quới - Thanh Đa và UBND quận Bình Thạnh, hiện chưa có đủ quỹ nhà, quỹ đất phục vụ tái định cư cho dự án này. Đối với chủ đầu tư của dự án tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức là Cty cổ phần Địa ốc Sài Gòn cũng vậy, hơn 7 năm qua mới chỉ giải tỏa được 4/18,9 ha.

Công khai quỹ đất

Sở TN - MT đề xuất với UBND TP.HCM quy định phải công khai quỹ đất, không giao đất nhỏ lẻ, nhằm minh bạch hóa việc giao và cho thuê đất. Theo đó, tất cả quỹ đất thuộc quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt mà chưa có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều phải được công khai để các nhà đầu tư biết. Nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên cùng đăng ký vào một địa điểm thì tổ chức đấu thầu. Điều này sẽ loại bỏ được các nhà đầu tư không có đủ năng lực từ ban đầu.

Riêng đối với các dự án xây dựng cơ sở sản xuất, thành phố sẽ tập trung giao đất, cho thuê đất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để bảo đảm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, xử lý nước rác thải. Đối với các dự án nhà ở, sẽ chấm dứt ngay việc giao đất cho những dự án nhỏ lẻ, manh mún tại các khu vực đất nông nghiệp tập trung, chỉ giao đất theo các dự án có quy mô từ 20 ha trở lên, bảo đảm kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
 
Đối với các khu đất xen cài khu dân không thể mở rộng hoặc khu vực chỉnh trang cải tạo không thể đầu tư theo dự án lớn, có thể giao đất để thực hiện dự án nhưng phải bảo đảm kết nối hạ tầng. Chỉ giao đất cho chủ đầu tư khi hạ tầng kỹ thuật chung đã được đầu tư đến khu đất hoặc đã xác định được cụ thể thời gian đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung đến khu đất phù hợp với tiến độ thực hiện xác định trong dự án được phê duyệt.

Tạo điều kiện cho DN

TS Trần Thế Ngọc cho hay, Sở TN - MT đề xuất quy định: Sẽ không để nhà đầu tư tự thỏa thuận bồi thường đối với những dự án chậm tiến độ do gặp phải lý do khó khăn trong đền bù giải tỏa. Đối với những trường hợp này, UBND quận, huyện phải lập Hội đồng bồi thường, duyệt phương án và tổ chức thực hiện.

Đối với các dự án đã có quyết định thu hồi, giao đất, các chủ đầu tư đã tự thỏa thuận bồi thường nhưng còn sót lại một phần đất chưa thỏa thuận được thì UBND quận, huyện xem xét, đề xuất chấm dứt tự thỏa thuận, thành lập Hội đồng bồi thường và duyệt phương án để tổ chức bồi thường.

Nếu là những khó khăn trong việc điều chỉnh quy hoạch và kết nối hạ tầng, Chủ tịch UBND quận, huyện và các ban ngành phải có trách nhiệm phê duyệt quy hoạch điều chỉnh để bảo đảm kết nối với các dự án liền kề, xác định cụ thể thời gian đầu tư xây dựng hạ tầng chung đến các dự án.

Tuy nhiên, ý định này của thành phố cũng đang phải đối mặt với một thực tế đó là cả 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM hiện nay đều quá tải với nhiệm vụ đền bù giải tỏa cho các dự án công ích dùng vốn ngân sách.

Theo Đoàn Linh Hoa - Diễn Đàn Doanh Nghiệp