Tạ Hiện là phố cổ Hà Nội đầu tiên sẽ được cải tạo

Cập nhật 08/07/2010 14:10


Phố cổ Tạ Hiện, Hà Nội. (Nguồn: Internet)
Sáng ngày 6/7, tại 28 Hàng Buồm, Hà Nội, dự án cải tạo chỉnh trang thí điểm đoạn phố Tạ Hiện đã được trưng bày và giới thiệu tới đông đảo dân chúng.

Đây là dự án hợp tác giữa Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp), do Ban Quản lý phố cổ Hà Nội thực hiện, Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn tư vấn, thiết kế, với tổng kinh phí gần 15 tỉ đồng.

Sau trưng bày và tiếp thu ý kiến của nhân dân (hết 16/7), dự án sẽ được khởi công và hoàn thành trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Đường phố sẽ được lát đá tự nhiên!

Phố Tạ Hiện thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm nằm trong khu vực trung tâm của khu phố cổ Hà Nội. Giữa phố có rạp Quảng Lạc - nơi diễn tuồng nổi tiếng một thời. Đây là đoạn phố có rất nhiều khách du lịch đến tham quan và ăn uống.

Ông Phạm Tuấn Long - Trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Đây là một trong số ít những phố còn giữ được kiến trúc đồng nhất ban đầu, nên Ban Quản lý phố cổ đã lựa chọn một đoạn của công trình này để cải tạo đầu tiên. Dự án được làm thí điểm, để rút kinh nghiệm cải tạo mặt đứng của các tuyến phố cổ sau này.”

Theo Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, phạm vi cải tạo thí điểm được giới hạn bởi một phần nhỏ của phố Tạ Hiện (dài 52m), được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ 20, trong đó, dãy lẻ gồm 10 ngôi nhà liền khối, quy mô 2 tầng, mái ngói dốc, giống nhau, mang ảnh hưởng của kiến trúc Pháp, có thể do cùng một chủ đầu tư. Còn mặt chẵn cũng gồm những ngôi nhà có kiến trúc tương tự giống nhau, nhưng lại mang nét kiền trúc truyền thống Việt Nam.

Tuy nhiên, hầu hết hai dãy này đã bị biến dạng, xuống cấp, một số nhà, người dân đã cải tạo làm mất tính chất ban đầu.

Theo khảo sát của Ban Quản lý phố cổ Hà Nội trước đây, các ngôi nhà được xây theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam thì tầng 2 thường được xây lùi vào, tầng 1 đưa ra sát mặt đường. Nhưng qua quá trình biến đổi của lịch sử, phần tầng 2 các nhà ở đây đều di chuyển hết ra phía ngoài, do vậy cũng cần đưa ra một phương án bảo tồn nhà truyền thống của Việt Nam.

Được sự giúp đỡ của người dân, trong thời gian qua, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội và Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn đã cử người đi điều tra, lập thiết kế, chuyển các bản thiết kế đến từng hộ dân, trao đổi, phân tích giá trị sau khi cải tạo đến từng hộ dân, với mục tiêu bảo tồn di sản kiến trúc một đoạn phố đặc trưng trong khu phố cổ Hà Nội, đồng thời phát huy giá trị du lịch, dịch vụ, thương mại trong đoạn phố này.

Ngoài phương án cải tạo mặt đứng được giới thiệu, mô hình 1/50 của công trình cũng được trưng bày. Ban quản lý dự án cho biết, sẽ cải tạo lại mặt đường, hệ thống thoát nước, lòng đường và hè đường sẽ được lát lại bằng đá tự nhiên. Đây là đoạn phố duy nhất trong khu phố cổ được lãnh đạo thành phố cho lát đường bằng đá.

Người dân có thể đăng ký ngày cải tạo nhà!


Sau khai mạc trưng bày, đông đảo người dân trong dự án đã có mặt để xem và trình bày những ý kiến của mình. Đa số các hộ dân trong 2 dãy nhà trên đều nhất trí với chủ trương trên và đồng ý được cải tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, chủ nhiệm đồ án cho biết: Sau 10 ngày trưng bày, Ban Quản lý sẽ tiếp nhận, tiếp thu ý kiến của dân chúng phố cổ và đặc biệt là ý kiến của bà con. Sau đó, sẽ trình các cấp duyệt và khởi công. Còn theo ông Long, cải tạo nhà ở để bảo tồn khác với cải tạo đình chùa, vì thế phải phù hợp với cuộc sống của người dân!

Về phương pháp tiến hành, ông Long cho biết, khi cải tạo, sẽ không đồng loạt khởi công trong cùng một ngày mà sẽ làm từng nhà một. Ai đăng ký vào ngày nào sẽ làm vào ngày đó. Mặt đứng của 2 dãy nhà sẽ được chỉnh trang tu bổ lại cho đúng với thiết kế cũ. Mái hiên và cửa sẽ được thiết kế chung, đồng bộ... Chúng tôi sẽ cố gắng nhanh nhất để không ảnh hưởng đến sinh hoạt, buôn bán của các chủ nhà!’’ - ông Long hứa.

Làm thí điểm để triển khai nhiều tuyến


Dù đa phần người dân phố Tạ Hiện đều đồng ý với kế hoạch của dự án, nhưng cũng có ý kiến phân vân rằng, một phố cổ đang chạy dài từ A-Z với chỉ hơn 200m, vậy mà chỉ làm có 52m, trong khi đoạn còn lại lên tận Hàng Buồm là đoạn xấu nhất, bẩn nhất, mất trật tự nhất... lại không được cải tạo.

Trước băn khoăn này, ông Long tiết lộ: “Dự án đã nghiên cứu cả phố Tạ Hiện, nhưng đây là vấn đề chủ trương, làm thí điểm. Đoạn phố này có giá trị bảo tồn phải được ưu tiên làm trước. Không chỉ phố Tạ Hiện, trong tương lai sẽ triển khai nhiều đoạn trong khu bảo tồn cấp 1...’’.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+