Suất đầu tư sân bay Long Thành “vênh cao” hơn cả nước “siêu cường” thế giới?

Cập nhật 17/11/2019 10:00

Tổng mức đầu tư của Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được Quốc hội phê duyệt ở mức 16,03 tỷ USD. Nhiều ý kiến cho rằng, suất đầu tư cảng hàng không (CHK) này “vênh cao” so với sân bay có công suất tương đương như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Anh...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu trao đổi về dự án sân bay Long Thành bên hành lang Quốc hội (ảnh: Quang Phúc)

Xem sân bay “nhà người ta”

Chủ trương xây dựng CHK quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua và là cơ sở để Chính phủ triển khai nghiên cứu và thực hiện. Theo Nghị quyết số 94/2015 của Quốc hội, tổng mức đầu tư của Dự án Cảng HKQT Long Thành được Quốc hội quy định ở mức 16,03 tỷ USD, trong đó có 673,3 triệu USD chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư khu vực 5.000 ha.

Quy mô Dự án CHK quốc tế Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo khả năng phục vụ công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hoá/năm.

Thảo luận về Dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành tại Quốc hội, một số đại biểu so sánh về suất đầu tư của CHK Heathrow (Anh), Sydney ở Masot (Úc), Đại Hưng ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Changi - Singapore, Barcelona - Tây ban nha, Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ…

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) dẫn số liệu tổng mức đầu tư 2 sân bay Đại Hưng (Bắc Kinh -Trung Quốc) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ông Thành so sánh tổng mức đầu tư công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng - Bắc Kinh, diện tích 4.700 ha tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng công suất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư chỉ có 11,5 tỷ.

Cũng theo ông Thành, sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư chỉ có 12 tỷ USD, so với Long Thành chỉ có 2 đường băng, 100 triệu lượt hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa và vốn đầu tư là 16 tỷ USD.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) cho biết, diện tích sân bay Long Thành với số lượng hành khách dự kiến là quá lớn và suất đầu tư là quá cao. Đại biểu đoàn TPHCM nêu ra dẫn chứng sân bay Sydney tại Mascot - Úc có diện tích 900 ha công suất thiết kế là 74 triệu; năm 2023 Heathrow ở Anh 1.227 ha công suất thiết kế là 80 triệu khách.
Sân bay Changi của Singapore

Changi ở Singapore 1.300 ha công suất thiết kế là 85 triệu hành khách; sân bay Barcelona ở Tây Ban Nha 1.533 ha và công suất thiết kế là 70 triệu hành khách, Western Sydney ở Úc 1.768 ha công suất thiết kế là 82 triệu hành khách.

Sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok - Thái Lan có tổng đầu tư 5 tỷ USD vào năm 2006 cho 100 triệu hành khách một năm, bình quân là 50 triệu USD cho 1 triệu hành khách. Sydney ở Úc có công suất 82 triệu hành khách được đầu tư là 3,8 tỷ USD cho 10 năm tới.

Không có chuyện suất đầu tư đắt!

Về những so sánh nói trên, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng việc chỉ đưa ra một số chỉ tiêu để so sánh về quy mô và tính chất hoạt động một số sân bay trên thế giới với CHK quốc tế Long Thành là chưa hoàn toàn phù hợp vì không đủ các thông tin khai thác chi tiết cụ thể như công suất khai thác hàng hóa, các công trình phụ trợ dịch vụ thương mại, hay đối với từng mức dịch vụ của sân bay.

Chủ tịch ACV khẳng định: “Suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách cho Cảng HKQT Long Thành được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt là tương đương với suất đầu tư của các cảng hàng không lớn trên thế giới.”.

Theo ông Thanh, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) giai đoạn 1 vận hành khai thác từ tháng 9/2019, có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD cho công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách. Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho công suất 90 triệu khách/năm, tức khoảng 14,93 tỷ USD/100 triệu khách...
Phối cảnh bên trong nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Ông Thanh cho biết, khi hoàn thành cả 4 giai đoạn, Dự án CHK Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có công suất 200 triệu hành khách/ năm. Trong giai đoạn đầu đã đi vào hoạt động, được xây dựng năm 2015 công suất phục vụ hành khách đạt 90 triệu hành khách/năm với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD.

Quy đổi với công suất hành khách 100 triệu thì tổng mức đầu tư sẽ là 13,33 tỷ USD. Nếu tính thêm trượt giá, tỷ lệ trượt giá 2%/năm theo nghiên cứu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) áp dụng cho Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 thì chi phí đầu tư sân bay Istanbul tại thời điểm năm 2019 là 14,93 tỷ USD.

Chủ tịch ACV cho hay, số liệu về trượt giá thu thập từ nguồn IMF, tỷ lệ trượt giá trung bình của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2013-2018 là 9,48%/năm, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trượt giá 2% được dùng trong các tính toán nêu trên.

Dự án CHK quốc tế Incheon (Hàn Quốc) giai đoạn 3 (vận hành khai thác từ tháng 1/2018) có tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD cho công suất 18 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,9 tỷ USD/25 triệu hành khách.

“Tất cả so sánh chỉ mang ý nghĩa tham khảo trong một giới hạn nhất định. Do cảng hàng không là một công trình phức hợp, nên sự khác biệt về mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, phạm vi công việc thực hiện, thời điểm đầu tư, công nghệ áp dụng, các chính sách thuế, phí, dự phòng ở các quốc gia khác nhau là khác nhau nên tổng mức đầu tư sẽ khác nhau” - ông Thanh cho biết thêm.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí