Sửa đổi Luật Đất đai: Không khuyến khích khai hoang, phục hóa?

Cập nhật 17/04/2013 14:11

"Việc chuyển từ giao đất sang cho thuê đất khi hết thời hạn giao đất; không đền bù về đất đối với diện tích đất vượt hạn mức như quy định tại Khoản 4 Điều 136 và Khoản 1Điều 75 Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai là tước đoạt giá trị quyền sử dụng đất của nông dân có đất vượt hạn điền, nông dân khai hoang, vỡ hoá ven sông và lấn biển trên toàn lãnh thổ Việt Nam”, là quan điểm của Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng góp ý Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai.

Trao đổi với PV Infonet, ông Vũ Văn Luân – Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ (NTTSNL) huyện Tiên Lãng nói: Chúng tôi (Liên chi hội NTTSNL huyện Tiên Lãng) thắc mắc tại sao đất nông nghiệp ven sông, ven biển được Nhà nước giao khi hết thời hạn sử dụng đất không được tiếp tục giao đất mà lại phải chuyển sang thuê đất?

Nếu chuyển sang thuê đất thì giá trị QSD đất, tài sản có trên đất của những người có đất ven sông, ven biển trước kia được Nhà nước công nhận QSD đất, nhận chuyển nhượng QSD đất sẽ được Nhà nước giải quyết như thế nào?

Vì sao đất Nông nghiệp vượt hạn mức lại không được bồi thường về đất, nếu đất đó trước kia đã được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đất, cho phép nhận, chuyển nhượng QSD đất?

Do đó, chúng tôi thực sự quan tâm và lo lắng nếu Khoản 4 Điều 136, Điểm b Khoản 1 Điều 75 Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai được Quốc hội  thông qua  mà không được  xem xét kỹ lưỡng để thấu tình, đạt lý; trong khi trước đó, Nhà nước đã cho phép nhân dân đầu tư, Nhà nước đã công nhận QSD đất của họ, cho phép họ chuyển nhượng QSD đất .

“Mọi người ai cũng biết, để đầu tư vào việc khai hoang, lấn biển, các cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao đất, sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền của, công sức mới có thể tạo nên “Đất nông nghiệp” có giá trị.

Ví dụ như trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn, mọi người đều biết việc gia đình ông Vươn phải đầu tư rất nhiều tiền của, công sức, trong việc khai hoang, lấn biển, mới tạo ra đầm nuôi trồng thủy sản; từ một vùng đất không có giá trị, đất chưa sử dụng trở thành đất nông nghiệp.

Vậy, tại sao Bộ Tài nguyên và Môi trường  lại đưa ra  Khoản 4 Điều 136 trong Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, không tiếp tục giao lại đất mà lại là thuê đất  và Điểm b Khoản 1 Điều 75 – “Đất vượt hạn mức không được bồi thường về đất”?”, ông Luân đặt câu hỏi.

Diện tích đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, do người dân khai hoang, phục hóa vượt hạn mức sẽ không được bồi thường khi bị thu hồi?

Cũng theo ông Luân, quy định “Đất vượt hạn mức không được bồi thường về đất”  đi ngược với tinh thần của Điều 34 Nghị định 181/2004, Điều 8 Nghị định 197/2004 của Chính phủ; Điều 42, 106, 113 Luật Đất đai 2003. Đặc biệt đã đi ngược lại Điều 10 Luật Đất đai 2003, nay được thể hiện tại khoản 1 Điều 25 trong chính bản Dự thảo mà bộ TN-MT đã đưa ra. Không những vậy, nếu được Quốc hội thông qua các quy định này sẽ vi phạm Điều 23 Hiến pháp năm 1992, Khoản 3 Điều 56  Dự thảo sửa đổi Hiến pháp: “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”.

“Từ những lí do được phân tích, chứng minh ở trên, chúng tôi cho rằng nếu các điều khoản trên không được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội xem xét kỹ trước khi thông qua thông qua, thì các điều luật đó thực sự tước đoạt giá trị quyền sử dụng đất của nông dân có đất vượt hạn điền, đất ven sông, ven biển sau bao năm họ khai hoang, lấn biển ...

Chúng tôi đã có văn bản gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp và các đại biểu Quốc hội kiến nghị về vấn đề này”, ông Thư ký Liên chi hội NTTSNL huyện Tiên Lãng cho biết thêm.

Khoản 4 Điều 136 Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất bãi bồi ven sông, ven biển trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để sử dụng vào mục đích nông nghiệp thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn giao đất còn lại. Khi hết thời hạn giao đất nếu có nhu cầu sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai thì Nhà nước xem xét cho thuê”.

Điểm b Khoản 1 Điều 75 Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai quy định: “Diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức theo quy định tại điều 124,125 của Luật này thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường về chi phí đầu tư vào đất còn lại”.


DiaOcOnline.vn - Theo Infonet