Người dân làm thủ tục nhà đất ở quận Gò Vấp. Ảnh: Nguyên Tấn. |
Việc gộp chung một sổ về nhà đất tưởng sẽ tốt hơn nhưng thực tế sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài nguyên-Môi trường phiền phức chẳng những không giảm mà còn tăng lên, gây thêm nhiều khó khăn cho người dân.
“Một cửa” dở hơn “hai cửa”
Ùn tắc hồ sơ một cách kinh khủng, đó là hình ảnh dễ thấy nhất tại nơi tiếp nhận giải quyết thủ tục về nhà đất của các quận, huyện trên địa bàn TPHCM sau thời điểm thực thi Thông tư 17/2009/TT-BTNMT hướng dẫn về cấp giấy chứng nhận nhà đất mới của Bộ Tài nguyên - Môi trường.
Sáng 14-12-2009, tức bốn ngày sau khi Thông tư 17 có hiệu lực, tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ nhà đất của các quận 12, Gò Vấp, Tân Phú… người đến làm giấy tờ đông nghẹt, hầu như nét mặt ai cũng bực bội pha lẫn lo lắng vì phải chờ đợi và lúng túng bởi những thủ tục mới phát sinh.
Tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của quận Gò Vấp, luật sư Nguyễn Thị Cúc rầu rĩ cho biết tình trạng ùn tắc đến mức nếu như trước đây chỉ mất vài chục phút thì bây giờ phải đứng mất cả ngày mới nộp được hồ sơ. Nguyên nhân ùn tắc là vì theo quy định mới, thủ tục được thực hiện “một cửa” ở quận nên toàn bộ hồ sơ phải dồn về đây.
Ví dụ, trước đây để hợp thức hóa chủ quyền nhà thì hồ sơ phải qua phường xem xét, làm thủ tục niêm yết, sau đó đưa hồ sơ lên quận là xong. Nay, không qua phường nữa mà đưa hồ sơ thẳng lên quận. Nhân viên ở quận nhận hồ sơ xong sau đó lại “ngồi” phân loại, hồ sơ thuộc phường nào thì chuyển về phường đó để nhờ kiểm tra, xác minh (vì phường rành rẽ hơn). “Chỉ riêng khâu phân loại, đưa hồ sơ về phường đã tốn không biết bao nhiêu thời gian. Nhân viên quận thì ít và cũng chừng đó mà như Gò Vấp có đến 17 phường thì làm sao xuể!”-luật sư Cúc than thở.
Theo ý kiến của luật sư này, “hai cửa” như trước đây vẫn hợp lý hơn “một cửa” ở chỗ khi nộp hồ sơ ở “cửa” đầu tiên (UBND phường) nếu hồ sơ có gì trục trặc nhân viên ở đây sẽ hướng dẫn làm lại ngay hoặc bổ túc thêm và cứ thế lên quận. Còn bây giờ, nếu có sai sót thì phải chờ đợi rất lâu người nộp hồ sơ mới biết để sữa chữa, bổ túc và lại phải tiếp tục tốn công sức như vậy cho mỗi lần nộp lại hồ sơ.
Sao phải đổi sổ?
Tuy nhiên, bức xúc nhiều nhất vẫn là chuyện đổi sổ. Theo Thông tư 17/2009/TT-BTNMT, có chín trường hợp biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất, trong đó có việc chuyển nhượng (chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…) thì bắt buộc phải đổi sổ. Nói cách khác, cứ mỗi lần thay đổi chủ quyền là phải làm thủ tục để cấp sổ mới.
Không giấu được vẻ thất vọng, luật sư Trần Thị Miền bức xúc nói: “Trước đây, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên-Môi trường từng cam kết là sẽ thiết kế giấy chứng nhận nhà đất mới giống như cuốn sổ hộ khẩu. Trong đó, các trang của sổ sẽ ghi đầy đủ thông tin về nhà đất và ghi nhận cả những biến động khi có giao dịch chuyển nhượng mà không cần phải đổi sổ. Thế nhưng, bây giờ lại làm ngược hoàn toàn. Cải cách như thế thì vô lý quá, chỉ khổ cho dân thôi!”.
Bà Miền so sánh: trước đây theo quy định cũ, muốn chuyển nhượng nhà đất, hai bên chỉ cần đến công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng, sau đó lên quận làm thủ tục đăng bộ, cập nhật biến động vào sổ (ghi tên chủ mới), lệ phí 15.000 đồng và mất khoảng 5-7 ngày là xong. Còn bây giờ, sau khi công chứng hợp đồng, người bán hoặc người mua phải làm thêm thủ tục đo vẽ nhà đất (tốn chi phí từ 500.000 đồng đến vài triệu, thậm chí 4-5 triệu đồng, tùy diện tích nhà đất lớn hay nhỏ và thời gian khoảng 15-20 ngày), sau đó đi làm thủ tục đăng bộ in sổ mới, lệ phí 100.000 đồng và mất thêm khoảng 20 ngày nữa. Chưa kể, như trên đã nói, việc nộp hồ sơ rất mất thời gian và nhiêu khê.
Theo luật sư Miền, để hoàn thành một giao dịch chuyển nhượng thì riêng thủ tục sang tên đổi sổ có thể mất tới một đến hai tháng trong khi trước đây chỉ cần khoảng 5-7 ngày và với chi phí ít hơn.
Đặc biệt, với trường hợp nhà đất có nhiều chủ khác nhau thì lại càng phiền phức. Ví dụ, ông A là chủ sử dụng đất và trên đất đó có 5 căn nhà thuộc sở hữu của 5 người khác nhau. Về nguyên tắc, 6 người nói trên đều có thể được cấp mỗi người một sổ nhà đất mới.
Như vậy, nếu ông A chuyển nhượng đất cho ai đó thì không chỉ sổ của ông A mà sổ của 5 người kia dù chẳng liên quan đến giao dịch nhưng vì có biến động nên theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng đều phải làm lại thủ tục để đổi sổ mới? Quả là nhiêu khê!
Luật sư Cổ Hiệp bức xúc: “Chẳng hiểu Bộ Tài nguyên - Môi trường lấy ý kiến ở đâu mà nói rằng đại đa số người dân thích đổi sổ vì không muốn dính đến người cũ. Tôi chắc chắn là không thể có chuyện đó xảy ra vì có trực tiếp đi làm mới thấy cái gọi là cải cách đang lùi lại và hành hạ người dân ghê gớm. Trước giải phóng, khi chuyển nhượng chỉ cần ghi nhận biến động trong một tờ kèm theo bằng khoán là xong. Sau này, với sổ hồng mình cũng áp dụng như thế, rất đơn giản và có thấy ảnh hưởng gì đến quyền lợi của các người giao dịch đâu. Tại sao lại phải đổi sổ cho phức tạp, rối rắm lên?”.
Cũng theo Thông tư 17/2009/TT-BTNMT, Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường có trách nhiệm tổ chức việc in ấn, phát hành phôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các địa phương. “Không lẽ vì chuyện tế nhị gắn với lợi ích cục bộ ấy của Bộ Tài nguyên - Môi trường mà bắt người dân phải đổi sổ?” - luật sư Trần Thị Miền băn khoăn.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG