Nhận định về hiện trạng giao thông của Hà Nội, trong nghiên cứu đồ án quy hoạch chung (QHC) xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Liên danh tư vấn quốc tế PPJ nhận định: Mạng lưới giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội.
Các dự án phát triển hệ thống giao thông hoặc còn thiếu hoặc triển khai xây dựng rất chậm. Hệ thống đường sắt có công nghệ lạc hậu, chiếm tỷ trọng quá nhỏ so với tổng nhu cầu vận tải. Tỷ trọng vận tải đường thủy thấp so với tiềm năng do chỉ dựa vào điều kiện tự nhiên. Giao thông đô thị đang bị quá tải nặng nề, tỷ lệ đáp ứng về vận tải hành khách công cộng rất thấp, chỉ đạt 15% so với tiêu chuẩn 40 - 60%.
Hà nội sẽ đầu tư xây dựng nhiều tuyến vành đai để giảm áp lực giao thông quá cảnh qua nội đô. |
Hãy giảm tải từ xa cho Hà Nội
Cùng đề cập đến nội dung giao thông trong đồ án QHC Hà Nội, ông Đỗ Viết Chiến (Phó chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội) nhận định: Việc Thủ đô được mở rộng địa giới cộng thêm quy hoạch vùng được phê duyệt là điều kiện và cơ hội để Hà Nội giải quyết nhiều vấn đề bức bách bấy lâu nay trong đó phải kể đến giao thông.
Gần 30 năm sau khi có quy hoạch, Hà Nội vẫn chưa khép kín được vành đai 3 (bao gồm cả bờ nam và bờ bắc sông Hồng). Trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của Hà Nội sẽ ở mức độ cao, mô hình phát triển cũng khác. Nếu như trước đây, phát triển giao thông chỉ trông chờ vào nguồn lực nhà nước, nay trong thời kinh tế thị trường các thành phần tham gia đầu tư xây dựng đường giao thông đa dạng hơn, với nhiều hình thức như BOT, BT...
Trong tương lai, vành đai 3 tiếp tục được hoàn thiện. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ có thêm nhiều tuyến vành đai như vành đai 3,5, vành đai 4 và 5... Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về việc đẩy nhanh triển khai tuyến vành đai 4 và 5 để kết nối các tỉnh trong Vùng Thủ đô. “Làm sớm được việc này ngày nào thì sẽ hạn chế được dòng giao thông quá cảnh qua Hà Nội ngày ấy. Đồng nghĩa với việc sẽ giảm ách tắc từ xa cho Hà Nội” - ông Chiến nói.
Cùng với đó, Hà Nội cũng có thể giảm sức ép cho trung tâm bằng cách hạn chế phát triển các KCN, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, thay vào đó tập trung phát triển các trung tâm công nghệ cao, kiểm soát được môi trường, các khu công nghệ sinh học có hàm lượng chất xám cao, công nghệ phần mềm, công nghệ vật liệu mới. Đồng thời, theo quy hoạch, Hà Nội cũng sẽ giãn các trường đại học, các bệnh viện từ trung tâm ra các đô thị vệ tinh, chỉ giữ lại ở đô thị lõi các viện nghiên cứu hàn lâm, viện khoa học đầu ngành...
Worley Parsons ủng hộ chính sách giao thông của PPJ
Phản biện nội dung định hướng phát triển giao thông trong đồ án QHC Hà Nội, tư vấn Worley Parsons đồng tình với chính sách giao thông của tư vấn PPJ là chuyển sang sử dụng hệ thống giao thông công cộng; nghiên cứu hệ thống đường cao tốc với chất lượng cao, tách ra khỏi hệ thống giao thông và ách tắc đô thị, nâng cao hiệu suất vận tải hàng hóa bằng cách từng bước tách chúng ra khỏi đường sá đô thị và khuyến khích phát triển hệ thống đường sắt vận chuyển hàng hóa từ việc khai thác nhu cầu lưu thông hàng hóa giữa Hà Nội - Hải Phòng và Trung Quốc. Worley Parsons cũng đồng tình việc lên kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt cao tốc để phục vụ nhu cầu vận chuyển liên vùng và quốc tế.
Worley Parsons gợi ý: Hà Nội nhanh chóng triển khai thực hiện các tuyến UMRT số 1, 2 và 3 để khuyến khích hạn chế sử dụng xe máy và lên kế hoạch phát triển tuyến NMRT số 4 để đem đến động lực phát triển đô thị giữa hai vành đai 3 và 4. Hà Nội xây dựng tuyến đường vành đai 2, 3 và 4 nhằm đem lại hệ thống đường cao tốc hiệu quả hơn và bắc cầu đến khu vực bắc sông Hồng, cũng như liên kết các trung tâm đến Hà Nội và từ Hà Nội tỏa ra các trung tâm.
Bên cạnh đó, Hà Nội cân nhắc xây dựng tuyến đường sắt phía đông để phát triển trục vận chuyển hàng hóa giữa nam và bắc Hà Nội, cải thiện kết nối với Hải Phòng và Trung Quốc. Ngoài ra, Hà Nội nên kéo dài tuyến UMRT số 3 để làm tiền đề cho phát triển thành phố vệ tinh Hòa Lạc. Cuối cùng, Hà Nội phát triển hệ thống vận tải đường sắt cao tốc chuyên chở hành khách tiếp cận đến các vùng hoạt động của mạng UMRT dọc theo hành lang và từ trung tâm Hà Nội, qua phía nam, nối dài tới TP.HCM.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng