Để được vay vốn mua nhà ở xã hội, người dân phải làm đủ 7 thủ tục và các loại giấy tờ, trong đó có giấy xác nhận của UBND phường, xã nơi cư trú về tình trạng nhà ở. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri thì đây là vấn đề làm khó thực thi, gây khó khăn cho cả người dân lẫn cơ quan phường xã.
Ai quản lý, xác nhận việc dân chưa có nhà?
Tuần qua, Báo Đất Việt nhận được nhiều phản hồi của người dân liên quan đến gói cứu trợ 30.000 tỷ hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội (NOXH), đặc biệt các loại giấy tờ, thủ tục "hành dân" trong quá trình làm hồ sơ để vay vốn của ngân hàng.
"Tôi thuộc đối tượng được vay vốn mua và đã nhiều lần đến UBND phường để xin xác nhận về việc gia đình tôi chưa có nhà ở, nhưng điều bị từ chối. Họ bảo không quản lý vấn đề này, không biết tôi có sở hữu nhà hay chưa nên không dám xác nhận" - Anh Trần Văn Bình (Bạch Mai - Hà Nội) cho biết.
Để được vay vốn mua NOXH, người dân phải làm đủ thủ tục và các loại giấy tờ, trong đó có giấy xác nhận của UBND phường, xã nơi cư trú về tình trạng nhà ở. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri thì đây là vấn đề làm khó thực thi, gây khó khăn cho cả người dân lẫn cơ quan phường xã.
|
"Đây là một vấn đề rất khó cho thực tế, cho quá trình thực thi. Bởi vì UBND xã, phường họ chỉ có thể chứng nhận hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tạm vắng ở đấy, chứ cái này họ có đi điều tra, có nắm được đâu mà dám xác nhận được. Ngay cả trong các cơ quan cũng vậy, rồi cũng chẳng ai người ta đến mà khám xét, mà xác định cho cả.
Thứ hai nữa là đứng về mặt pháp lý cũng rất khó. Anh không có cơ sở pháp lý nào để đến điều tra, xác định chỗ ở của những người này được. Đây là một cái làm khó cho người dân. Vấn đề là hỗ trợ thì hỗ trợ cho những người này, những đối tượng đấy, nhưng đòi hỏi một thủ tục như thế này thì quá khó khăn" - PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho biết.
Theo PGS Nguyễn Hữu Tri, trước khi đưa ra những vấn đề như thế này, cần phải xem xét liệu thủ tục đó có thực hiện được hay không.
"Ví dụ như nguyên tắc là anh phải xác định được. Muốn xác định được thì phải nắm được cái đấy, chứ địa phương không ai người ta nắm được cái này.
Thêm một vấn đề nữa, từ chuyện xác nhận khó khăn có thể sẽ nảy sinh chuyện thân quen, tiền bạc để có được cái giấy đó. Chẳng hạn sẽ nói: Thôi, chỗ thân quen bác xác nhận cho một cái để em hoàn tất cái thủ tục vay mua nhà. Đây cũng là một xu thế sẽ xảy ra" - Ông Tri cho biết.
Hiện nay có một số trường hợp mình đưa ra về mặt ý tưởng là rất đúng, rất tuyệt vời. Nhưng mà cái diễn biến trong thực tiễn là rất khó để có thể xác định được.
"Cũng là điều kiện đấy nhưng ở một nước khác thì sẽ khác. Bởi vì họ quản lý được nguồn thu nhập, họ đánh giá được tình trạng nhà ở, còn quản lý của ta hiện nay thì tất cả các đánh giá đều dựa trên điều tra chứ chưa có một hệ thống dữ liệu cơ sở xã hội để quản lý được cái này. Đấy là một cái hạn chế của chúng ta" - Ông Tri nói.
Thư lại và chuyện đinh, điền
Theo ý kiến của PGS Tri, không chỉ riêng vấn đề xác nhận tình trạng nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, rất nhiều vấn đề khác liên quan đến thủ tục hành chính cũng còn nhiều bất cập.
"Cái chính là hệ thống cơ sở dữ liệu. Mà hệ thống cơ sở dữ liệu này thực tế hiện nay, về mặt Nhà nước là chúng ta có. Tổng cục thống kê chính là trung tâm dữ liệu để cung cấp cho Nhà nước, cho chính quyền.
Thứ hai là chi cục thống kê huyện và có văn phòng thống kê, tức là có hẳn một chức danh là văn phòng thống kê công chức ở xã. Tuy nhiên bộ phận này hiện nay chưa được đào tạo một cách bài bản và chưa có một hệ thống quan tâm trang thiết bị để nó đảm bảo cơ sở dữ liệu.
Đáng lẽ đây mới chính là trung tâm của cơ sở dữ liệu của xã, thì hiện nay sự quan tâm đến công chức này, việc đào tạo họ, chuẩn hóa họ thì chúng ta chưa có" - PGS Tri cho biết.
Cũng theo ông Tri, trước đây, thời kỳ phong kiến có anh thư lại chịu trách nhiệm rất rõ, nắm toàn bộ tình hình. Về đinh thế nào, về điền thế nào...
"Còn mình thì cũng có như thế, giao cho như thế, gọi là có một chức danh thôi, còn hệ thống này thì chưa được đào tạo. Trong khi đó cái anh này mới là anh chính để đảm nhiệm, xác nhận những vấn đề mà chúng ta đang quan tâm và đề cập đến.
Quy định về mặt thủ tục là rất dễ, nhưng quy định rồi thì ai làm? Đấy là cái khó của ta hiện nay. Suy cho cùng thì có 2 yếu tố quyết định có thể thực hiện được hay không.
Thứ nhất là về chính sách của Nhà nước. Là thể chế, là cơ chế cho việc thực hiện được cái đó. Anh muốn thực hiện được một chính sách thì phải có một cái cơ chế phù hợp.
Thứ hai là năng lực của đội ngũ chuyên môn có thể thực hiện được hay không. Có khi chính sách rất tốt nhưng đi vào thực tiễn thì không triển khai được. Bởi nó có 2 lý do, một là sự trục trặc của cơ chế, thể chế không thuận, vướng cái này, vướng cái kia, không đồng bộ, không hoàn thiện. Thứ hai là năng lực của cán bộ thực thi, không nắm được yêu cầu. Đó là nhược điểm của chúng ta hiện nay trong thủ tục hành chính".
Để khắc phục vấn đề này theo PGS Tri, thứ nhất, cần phân loại ra từng bước một. Thứ hai nên có một chỉ đạo trọng điểm đối với những loại đối tượng nào? Tập trung ở địa phương nào? Bởi một chính sách đưa ra trên toàn quốc để triển khai thì sẽ có sự khác biệt ở về năng lực cán bộ, cơ chế, về khả năng thực thi ở từng địa phương. Từ đó sẽ tạo lên rất nhiều lỗ hỏng trong quá trình thực thi chính sách. Và nhiều khi sẽ dẫn đến phản tác dụng.
"Đơn giản như ở trường hợp này, người cán bộ không dám xác nhận tình trạng nhà ở cho người dân đơn giản là vì họ không biết, họ không được đào tạo và làm cái này.
Nên những vấn đề liên quan đến trách nhiệm, trách nhiệm với những cái mà anh đã ghi, anh đã xác nhận, thì sau này chắc chắn anh phải chịu trách nhiệm, cho nên hơi đâu mà người ta làm. Đây là cái tâm lý chung đều như vậy. Bây giờ tôi chịu trách nhiệm, tôi ký cho ông, nhưng mai kia có cái gì bất trắc tôi sẽ phải chịu trách nhiệm nên tôi từ chối. Đơn giản là vậy thôi" - PGS. Nguyễn Hữu Tri cho biết.
Thông tư Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết của Chính phủ có quy định, điều kiện được phép vay mua nhà ở xã hội bao gồm:
Thứ nhất: có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại với chủ đầu tư. Nhà ở này phải có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Hợp đồng phải ký kể từ ngày 07/01/2013.
Thứ 2: phải có giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Thứ 3: phải có giấy cam kết của khách hàng, các thành viên trong hộ gia đình của khách hàng chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Thứ 4: có văn bản xác nhận của đơn vị đang công tác về nơi công tác và thực trạng về nhà ở.
Thứ 5: Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã (phường) nơi khách hàng có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở. Đối tượng được phép vay mua nhà ở xã hội là người chưa có nhà ở, hoặc có nhà nhưng không đủ diện tích tối thiểu theo quy định (dưới 8m2/người).
Thứ 6: Giấy tờ chứng minh nhân thân người vay và người bảo lãnh (nếu có), bao gồm: Giấy Chứng minh nhân dân (trong thời hạn 15 năm); Hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú; Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Thứ 7: Giấy tờ xác định, chứng minh nguồn thu nhập (Hợp đồng lao động, quyết định lương, giấy xác nhận của cơ quan đơn vị nơi công tác/làm việc, các giấy tờ chứng minh thu nhập khác...
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt