Sẽ có 6 tuyến tàu điện ngầm

Cập nhật 15/05/2010 14:45


Phấn đấu vận tải công cộng sẽ đạt từ 45-55%. Ảnh: Q.H.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp cùng UBND TP.Hà Nội lập quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 - tầm nhìn 2050, đồng thời đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vấn đề này.

Định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, cấp, thoát nước, hệ thống điện của Hà Nội sẽ thế nào?

Ưu tiên triển khai tàu điện ngầm và đường tầng

Về giao thông của Hà Nội, báo cáo quy hoạch Hà Nội khẳng định, giao thông hiện chủ yếu dựa vào các phương tiện vận chuyển cá nhân, tỉ lệ vận tải công cộng rất thấp, chỉ đạt khoảng 14% gồm cả xe buýt và taxi (tiêu chuẩn là 40 - 60%). Hệ thống đường sắt, đường thủy lạc hậu, chiếm tỉ trọng nhỏ so với nhu cầu vận tải.

Nhiều tuyến đường chính đô thị bị quá tải, không đảm bảo chất lượng. Để giải quyết vấn đề ách tắc giao thông đô thị, quy hoạch đề xuất phát triển mạnh giao thông công cộng gồm xe buýt nhanh, hệ thống 6 tuyến tàu điện ngầm, đặc biệt sớm triển khai hệ thống tàu điện ngầm và hệ thống đường tầng từ vành đai 3 trở vào.

Về giao thông đối ngoại, tập trung xây đường cao tốc đối ngoại và hệ thống đường sắt vận chuyển hàng hóa; cải tạo, nâng cấp và xây mới các cặp tuyến song song với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hướng tâm vào nội đô để giảm thiểu quá tải cho đô thị. Hoàn chỉnh tuyến đường sắt dọc đường vành đai 4, xây dựng đường sắt mới cao tốc Bắc - Nam và 5 tuyến đường sắt đô thị, nâng cấp cảng hàng không quốc tế Nội Bài sau năm 2030 đạt 50 triệu hành khách/năm, sân bay Gia Lâm phục vụ nội địa tầm ngắn và vị trí sân bay thứ hai theo hướng đông đông nam của Hà Nội, đồng thời nạo vét sông Đà, sông Hồng và sông Đuống, nâng cấp mới các cảng dọc sông, khôi phục sông Đáy, sông Tích kết hợp du lịch và vận tải đường sông.

Đối với khu nội đô sẽ xây dựng mạng lưới vận tải hành khách công cộng đáp ứng 45 - 55%. Hoàn thiện và nâng tầng tuyến vành đai 3, một phần đường vành đai 2 và các trục hướng tâm vào TP như đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng. Xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị, kéo dài kết nối với các đô thị vệ tinh trên cơ sở 5 tuyến tàu đô thị đã phê duyệt và 3 tuyến đề xuất mới (tuyến Mai Dịch - Yên Sở dọc đường vành đai 3; tuyến Mai Dịch - Ngọc Hồi theo tuyến đường sắt quốc gia phía tây; tuyến Mê Linh - An Khánh - Ngọc Hồi. Và từ đường vành đai 4 trở vào nội đô sẽ chủ yếu là hệ thống tàu điện ngầm.

Sẽ xoá bỏ ngập úng vào mùa mưa

Thực hiện dự án quy hoạch sông Đáy làm khơi thông các con sông khô và là hành lang thoát lũ. Đảm bảo thoáng các trục thoát nước chính đi qua đô thị như sông Hồng, sông Đáy, sông Nhuệ. Mở rộng và nạo vét kênh trục chính sông Nhuệ, sông Tích, sông Hang, La Khê, Vân Đình, Duy Tiên, sông Thiếp, sông Hoàng Giang. Xóa bỏ tình trạng ngập úng thường xuyên vào mùa mưa trong đô thị. Mở rộng phạm vi phục vụ các hệ thống thoát nước, đạt 90 và tiến tới 100%.

Về cấp nước của Hà Nội hiện chủ yếu sử dụng nước ngầm. Do đó sẽ hướng tới sử dụng nước mặt, với tỉ lệ khai thác nước mặt dự kiến đến năm 2030 đạt 83%. Tổng nhu cầu cấp nước Hà Nội đến năm 2030 khoảng 2,5 triệu mét khối/ngày đêm (gấp 4 lần khả năng cấp nước sạch hiện nay). Về cấp điện, dự báo tới năm 2030, tổng nhu cầu cấp điện cho Hà Nội cần 10.000MW (gấp 6 lần so với năm 2009).

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động