Quy hoạch xong mới hạn chế việc xây dựng

Cập nhật 07/01/2010 10:45

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP vừa đề nghị một số quận hạn chế việc cấp phép xây dựng ở những tuyến đường đang lập thiết kế đô thị như đại lộ Đông Tây, xa lộ Hà Nội và đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Các quận sẽ thực hiện ngay hay bao giờ?

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng đường mở xong mà thiết kế đô thị theo không kịp nên nhà cửa trên các trục đường lớn vừa mở mới lam nham như hiện nay. Vì làm chậm mà Sở lại hạn chế quyền lợi của người dân là không được xây thì là không hợp lý. Ông có nghĩ như vậy?

Ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở QHKT: Tôi nhìn nhận là có chậm. Lực lượng của Sở không đủ nên phải nhờ đến tư vấn, mà tư vấn cũng chậm. Tuy nhiên, công bằng mà nói, bắt tay vào làm mới thấy thiết kế đô thị là rất khó và quá mới. Nếu chỉ là việc thiết lập cho một trục đường toàn là nhà liên kế xây cao bao nhiêu tầng, lùi bao nhiêu thì rất đơn giản nhưng công việc của thiết kế đô thị thì không phải thế.

Trên tuyến đường mà nhà cửa lớn nhỏ, tròn méo không ai giống ai, hoặc có những khu đất diện tích lớn có khả năng phát triển… thì việc lập thiết kế đô thị phải rất cẩn thận. Trên trục đường này, ngoài nhà ở còn cần phải có những điểm nhấn, những công trình lớn, những căn có thể hợp khối, rồi khoảng hở, thông thoáng giữa các dãy nhà… Hiện chưa được Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể nên chúng tôi phải tự mày mò.

Phải chờ thiết kế đô thị

* Vậy các quận có liên quan phải làm thế nào trước đề nghị của Sở?

Văn bản của Sở không mang tính chỉ đạo mà là gợi ý, hướng dẫn các quận, huyện về một số biện pháp có khả năng áp dụng trong thời gian chờ thiết kế đô thị hoàn chỉnh. Hiện nay, việc lập thiết kế đô thị cho đại lộ Đông Tây mới xong phần khảo sát hiện trạng, dự kiến hoàn tất trong năm 2010. Các trục đường khác thì công tác lập thiết kế đô thị cũng mất rất nhiều thời gian.
 

Nhà lô nhô ở khu đại lộ Ðông Tây, nhìn từ cầu Chà Và. Ảnh: HTD


Trong lúc này, cần phải rà soát hiện trạng sử dụng đất, khoanh vùng các khu vực và phân chia thành nhiều loại: Khu nào được áp dụng Quyết định 135 về ban hành quy định kiến trúc nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu; khu vực biệt thự; khu vực có khả năng phát triển theo dự án lớn, cụm công trình bảo tồn… để có chính sách áp dụng phù hợp.

Với những khu đất lớn, thuận lợi giao thông, có khả năng tạo điểm nhấn cho khu vực thì cần lưu ý quản lý chặt chẽ để đầu tư dự án, hạn chế chia nhỏ, phân lô thì phải hạn chế xây dựng.

* Nhưng bao giờ thì mới làm xong công việc rà soát, khoanh vùng hiện trạng để phục vụ việc thiết kế đô thị?

Các quận, huyện tùy theo tình hình thực tế và lực lượng chuyên môn tại địa phương có thể tự làm hoặc thuê các đơn vị tư vấn thực hiện công việc này.

Chưa áp dụng ngay

* Cơ sở nào để không giải quyết việc cấp phép xây dựng hoặc chỉ cho xây tạm trong quá trình chờ lập thiết kế đô thị?

Cơ sở pháp lý cao nhất là quy hoạch được phê duyệt. Trường hợp quy hoạch làm không kịp thì quận, huyện có thể điều chỉnh cục bộ một số khu vực, chẳng hạn khu vực có khả năng phát triển các dự án đầu tư, để đề xuất UBND TP ra quyết định thu hồi.

Xin nói rõ là khi có cơ sở pháp lý rồi thì mới hạn chế việc xây dựng của người dân trong khu vực này.

* Một số quận, huyện cho biết dù Sở hướng dẫn như thế nhưng việc cấp phép cho nhà ở riêng lẻ hiện nay là căn cứ theo QĐ 135/2007 của thành phố. Do đó, không có cơ sở để từ chối người dân xin xây năm, bảy tầng?

Quyết định 135 năm 2007 chỉ áp dụng cho nhà liên kế trong khu đô thị hiện hữu ổn định chứ không phải hễ là khu dân cư là cho xây nhà liên kế cao tầng. Do đó, không phải nơi nào cũng lấy QĐ 135 làm cơ sở cấp phép được. Tôi sẽ lưu ý vấn đề này để nhắc nhở các quận, huyện thực hiện cho đúng.

* Những trường hợp chậm chân xin cấp phép xây dựng sẽ được giải quyết ra sao, thưa ông?

Tôi cho rằng trong quá trình áp dụng pháp luật cần phải luôn có sự nhìn lại và đánh giá, nếu nó chưa đúng thì phải điều chỉnh nên không phải hễ trước đã cho xây cao thì sau cũng phải cho xây cao. Trong quá trình thực hiện, quận, huyện có khó khăn thì chúng tôi sẽ phối hợp hỗ trợ.

Xin cảm ơn ông.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP