Quy hoạch xây dựng ở Hà Nội: Tuỳ tiện, hệ quả khôn lường

Cập nhật 17/09/2007 14:00

Sau khi Bộ Xây dựng có kết luận thanh tra số 1701/BXD-Thanh tra về công tác quy hoạch xây dựng tại thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch, kiến trúc đã có văn bản giải trình gửi UBND thành phố Hà Nội. Nội dung văn bản này khẳng định, có một số nội dung trong kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng chưa chính xác.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, đồng thời lược trích nội dung bản giải trình của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.

- Tại sao Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận rằng hầu hết các đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/2.000 và 1/5.000 của thành phố Hà Nội đã được lập, thẩm định và phê duyệt thực hiện chưa đúng quy định pháp luật. Trong khi đó, Sở Quy hoạch kiến trúc lại cho rằng, việc tách đồ án quy hoạch thành 2 bước là sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện của thủ đô?

- Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác quy hoạch xây dựng trên toàn đất nước. Trước khi Luật Xây dựng có hiệu lực, để thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực này bộ đã ban hành và trình Chính phủ ban hành một số văn bản trong đó có 2 văn bản chính về công tác quy hoạch xây dựng.

Đó là: Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị ban hành kèm theo Nghị định 91/CP (ngày 17.8.1994) và Quyết định số 322/BXD-DT ngày 28.12.1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, về việc ban hành quy định lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.

Từ 1.7.2004 khi Luật Xây dựng có hiệu lực thì công tác quy hoạch được thực hiện theo Luật Xây dựng và Nghị định 08/2005/NĐ-CP ngày 24.1.2005 về quy hoạch xây dựng. Ngoài ra còn chỉ thị của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác quy hoạch.

Cần nói rõ rằng việc thanh tra công tác quy hoạch là việc thanh tra tuân thủ pháp luật về quy hoạch xây dựng của các tổ chức, cá nhân từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý xây dựng theo quy hoạch... theo từng thời kỳ đối với pháp luật tại thời điểm đó.

Việc phân chia giai đoạn, cắt bớt những bản vẽ quan trọng là linh hồn của một đồ án quy hoạch xây dựng như bản đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan (thiết kế đô thị); bản đồ chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, hành lang bảo vệ các tuyến hạ tầng kỹ thuật và một số bản vẽ khác là vi phạm pháp luật đã gây hậu quả không nhỏ cho tình hình quản lý xây dựng của thủ đô những năm vừa qua.

Việc làm đó đã dẫn đến việc tuỳ tiện trong việc thoả thuận chiều cao các công trình kiến trúc, muốn cho xây cao, thấp là do chủ quan của một số cá nhân, điều này đã gây bức xúc trong nhân dân những năm qua, gây khó khăn cho cơ quan cấp phép và việc quản lý xây dựng ở các phường, xã, quận huyện.

Hậu quả là hàng nghìn căn nhà xây dựng không phép, sai phép đã mọc lên; tình trạng nhà siêu mỏng vẫn phát triển trên các tuyến đường mới mở và cũng có nhiều công trình phải thoả thuận nhiều lần về chiều cao xây dựng. Đây có phải là nguyên nhân của sự vận dụng linh hoạt?

Cần nói thêm rằng trước khi kết luận thanh tra đoàn thanh tra đã gửi dự thảo cho Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc quy hoạch góp ý kiến. Văn bản mà Sở Kiến trúc quy hoạch gửi UBND thành phố Hà Nội cũng chính là văn bản mà Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã gửi đến cho đoàn thanh tra. Để giải quyết vấn đề này lãnh đạo Bộ Xây dựng, Chánh Thanh tra bộ đã tổ chức cuộc họp với Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc, các phòng ban liên quan của hai sở.

Cuộc họp đã bàn đến từng vấn đề mà Sở Kiến trúc quy hoạch nêu, một số vấn đề kết luận thanh tra cũng đã điều chỉnh. Một số sai phạm chính cũng đã giải thích để Giám đốc Sở Kiến trúc quy hoạch rút kinh nghiệm và cuộc họp đã đi đến thống nhất.

- Theo ông, quy hoạch xây dựng Hà Nội phải khắc phục như thế nào để xứng đáng là đô thị đặc biệt, là thủ đô của cả nước?

- Cần kiểm điểm, xử lý những việc làm sai trái mà đã ảnh hưởng đến quản lý xây dựng thủ đô. Cần quy trách nhiệm, rút kinh nghiệm sâu sắc về việc tuân thủ pháp luật trong công tác quy hoạch xây dựng. Sớm điều chỉnh lại quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội phù hợp với tình hình phát triển mới.

Tất cả những đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000 của các quận, huyện đã lập cần rà soát lại, điều chỉnh, bổ sung, thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật để đảm bảo cho chính quyền các địa phương có cơ sở quản lý theo quy hoạch được duyệt.

Các quy hoạch chi tiết 1/500 cần sớm triển khai trên những khu phố, trục đường dân cư đã ổn định để làm cơ sở cho nhân dân cải tạo, chỉnh trang nhà ở theo quy hoạch. Đây là vấn đề lớn cần được tập trung đầu tư kinh phí, nhân lực để thực hiện.

Những vấn đề nêu trong kết luận thanh tra công tác quy hoạch xây dựng thành phố Hà Nội chỉ là những sai phạm chính mà không thể không khắc phục. Kết luận thanh tra là hoàn toàn đúng pháp luật, những hành vi vi phạm đã nêu trong kết luận là đặc biệt nghiêm trọng, cần tiếp tục được xem xét cụ thể để truy cứu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã cố tình vi phạm.

Nếu như chúng ta không xử lý triệt để còn để tình trạng giải thích quanh co, thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm pháp luật thì tình hình xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch của thủ đô sẽ không tốt hơn được.

- Xin cảm ơn ông!

Quy hoạch một số tuyến đường mới mở thiếu cơ chế chính sách quản lý

Việc quy hoạch một số tuyến đường mới mở, thiếu cơ chế chính sách quản lý cụ thể như: Nút giao thông Ngã Tư Sở không có thiết kế kiến trúc mặt phố chính, đường vành đai I đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa quy hoạch triển khai và phê duyệt quá chậm so với việc thi công xây dựng tuyến đường. Cùng với việc thiếu kiểm tra về quy hoạch xây dựng, đã dẫn đến thực trạng là tuyến phố sau khi hình thành, nhà cửa lô nhô, to nhỏ, đa dạng về hình thức và màu sắc, không đảm bảo mỹ quan kiến trúc. (Trích báo cáo kết quả thanh tra  của Bộ Xây dựng).



Theo Thu Huyền - Lao Động