Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật 30/06/2010 16:10

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp trở thành khu vực đô thị biên giới, hình thành đầu mối giao lưu kinh tế, giao thông vận tải quan trọng trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Tháp và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Đồng Tháp, gắn liền với hình ảnh hoa sen, được quy hoạch xây dựng khu kinh tế cửa khẩu phát triển trong tương lai không xa

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030.

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp có diện tích tự nhiên là 31.936 ha, bao gồm một số xã, phường, thị trấn thuộc thị xã Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, với hai cửa khẩu quốc tế là cửa khẩu quốc tế Thường Phước, cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và 5 cửa khẩu phụ (Sở Thượng, Thông Bình, Mộc Rá, Á Đôn và Bình Phú).

Theo nhiệm vụ quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp sẽ phát triển theo hướng khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp gắn với cửa khẩu quốc tế; là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông, trước hết trong quan hệ với Campuchia.

Bên cạnh đó, xây dựng khu Kinh tế trở thành khu vực đô thị biên giới có ảnh hưởng và lan tỏa thúc đẩy sự phát triển vùng phía Bắc tỉnh Đồng Tháp và có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng.

Dân số đô thị khoảng 160.000 - 180.000 người


Đó là quy mô về dân số đô thị Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp đến 2030, tổng dân số khoảng 250.000 - 260.000 người. Về quy mô đất đai, dự kiến đến năm 2030, đất xây dựng Khu kinh tế khoảng 5.200 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1.600 - 1.800 ha.

Đối với khu vực đô thị, chỉ tiêu đất xây dựng đô thị bình quân khoảng 100 - 120 m2/người. Diện tích đất dành cho giao thông giai đoạn đến năm 2020 chiếm 12 - 15% đất xây dựng đô thị, giai đoạn đến năm 2030 chiếm 18 - 20% đất xây dựng đô thị; mật độ đường chính đối với khu vực cửa khẩu và đô thị giai đoạn đến năm 2020 đạt 3,5 km/km2, giai đoạn đến 2030 đạt 4,5 km/km2.

Đến năm 2030, cấp nước 100% dân số

Nhiệm vụ quy hoạch đặt ra chỉ tiêu cấp nước đến năm 2020 khoảng 100 lít/người/ngày đêm và giai đoạn đến năm 2030 là khoảng 120 lít/người/ngày đêm, tỷ lệ cấp nước đạt 100% dân số. Chỉ tiêu cấp nước công nghiệp khoảng 40 m3/ha.

Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt đến năm 2020 là khoảng 600 kWh/người năm; đến năm 2030 khoảng 800 kWh/người năm; chỉ tiêu cấp điện công nghiệp khoảng 100 - 200 kW/ha.

Lập đồ án quy hoạch trong 9 tháng

Phó Thủ tướng yêu cầu cần đề xuất mô hình phát triển Khu kinh tế dựa trên nguyên tắc kết nối với hệ thống khu kinh tế cửa khẩu dọc biên giới Việt Nam - Campuchia; hệ thống đô thị trong tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó là đề xuất hướng phát triển không gian của Khu kinh tế, các phương án phân khu và vùng chức năng như xác định khu phi thuế quan, khu quản lý hành chính, khu quản lý và kiểm soát cửa khẩu…

Đồng thời, phải xác định cốt khống chế xây dựng theo khu vực, các trục giao thông chính của từng khu vực trong Khu kinh tế trên nguyên tắc tôn trọng địa hình tự nhiên, tận dụng cảnh quan, thiên nhiên, giữ lại hệ thống sông, rạch để hỗ trợ tiêu thoát nước và tạo cảnh quan.

Theo kế hoạch, thời gian từ nay đến khi hoàn thành việc lập đồ án quy hoạch là 9 tháng. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch là Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp.

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ