Quy hoạch vẫn đi sau thực tế

Cập nhật 05/06/2008 14:00

Quy hoạch đô thị tại Việt Nam sẽ tiếp tục đi chậm hơn thực tế phát triển của nền kinh tế nếu như các công cụ quản lý quy hoạch chưa có.

Một chuyên gia trong ngành là ông Đỗ Viết Chiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, đã nhận định như trên trong cuộc trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

* Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để phát triển một đô thị bền vững, quy hoạch phải đi trước một bước?

Ông Đỗ Viết Chiến: Đúng vậy, yêu cầu đối với quy hoạch chung xây dựng đô thị đã rất rõ ràng. Tùy theo đặc điểm, quy mô của từng đô thị, quy hoạch chung xây dựng đô thị phải xác định được tầm nhìn phát triển đô thị và các chiến lược phát triển đô thị chính.

Bên cạnh việc phải đề xuất  được cấu trúc tổng thể phát triển không gian đô thị, bao gồm cả nội thị và ngoại thị và cấu trúc đặc trưng phù hợp với các chiến lược phát triển đô thị, còn phải dự báo quy mô dân số, nhu cầu lao động và nhu cầu đất đai xây dựng đô thị; đề xuất được các chỉ tiêu về sử dụng đất, chỉ tiêu cung cấp hạ tầng phù hợp với mục tiêu phát triển cho các giai đoạn phát triển đô thị. Như vậy, quy hoạch phải có trước thì mới xây dựng được mục tiêu sử dụng đất.

Bản thân quy hoạch là một ngành khoa học tổng hợp liên quan đến rất nhiều lĩnh vực nhưng sản phẩm của nó lại mang tính định hướng và dự báo. Dự báo ngắn hạn biểu hiện qua việc các dự án có thể dựa vào quy hoạch để được phê duyệt dự án. Trong khi dự báo dài hạn lại là một chiến lược tổng thể và tầm nhìn dài hạn trong 20-30 năm sau.

Phải khẳng định quy hoạch không thể đi song hành hoặc đi sau sự phát triển của đô thị được. Nếu đi sau chứng tỏ quy hoạch đó đã bị tụt hậu

* Thế nhưng, thực tế cho thấy lĩnh vực quy hoạch đô thị chưa làm tốt những yêu cầu đặt ra. Đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào?

Yêu cầu đặt ra là quy hoạch phải đi trước một bước, nhưng trong thực tế thì việc xây dựng quy hoạch của chúng ta còn rất lộn xộn, đặc biệt là quy hoạch chi tiết.



Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc
Hà Nội Đỗ Viết Chiến - Ảnh:Hạnh Liên.

Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên của cả nước đã phủ kín quy hoạch 1/2000. Nhưng điểm mấu chốt để cấp phép cho dự án phải là quy hoạch 1/500. Vì vậy, việc cấp phép cho những dự án trong những khu vực chỉ có quy hoạch 1/2000 xem ra rất khó kiểm soát trong khi quy hoạch chi tiết 1/500 mới chỉ được phủ kín 50%.

Thế nên mới sinh ra việc chủ đầu tư phải tự đi thỏa thuận về quy hoạch chi tiết là như thế. Điều này tạo thêm một thủ tục hành chính phức tạp nữa, dễ dẫn đến tiêu cực. Qua đó cũng chứng tỏ quy hoạch vẫn đi sau thực tế. Khi cơ quan chức năng hoàn chỉnh quy hoạch 1/500 thì người ta đã xây dựng hết cả rồi.

Nhiều khu dân cư trước đây là những khu làng xóm ven đô. Khi có đường giao thông đi qua lập tức trở thành những khu đô thị mới với đủ loại kiến trúc. Đó là do chúng ta chưa có quy hoạch cụ thể để kịp thời định hướng cho người dân khiến sự phát triển theo kiểu tự phát. Một thời gian chúng ta phê phán hiện tượng nhà ống mọc lên chỉ trong vòng một sớm một chiều khi có những con đường mới đi qua, gây mất mỹ quan thành phố. Thực ra đó là lỗi của những người làm quy hoạch.

Từ trước đến nay ở nước ta, quy hoạch bị quan niệm là một sản phẩm. Mà đã là sản phẩm thì phải làm theo đơn đặt hàng. Trách nhiệm của người làm ra sản phẩm rất khó có thể được đảm bảo. Trên thế giới việc xây dựng quy hoạch được nhà nước cầm trịch. Những quy hoạch được nhà nước đầu tư là những dự án xương sống của đô thị. Nếu nhà nước không đủ tiềm lực thì có thể xã hội hóa để thu hút vốn đầu tư. Sau khi có quy hoạch, các nhà đầu tư mới đấu giá quyền sử dụng đất.

* Là một chuyên gia trong ngành, theo ông thì làm cách nào để hạn chế được những quy hoạch treo?

Sản phẩm quy hoạch mang tính chất dự báo và định hướng. Điều quan trọng là thông tin đầu vào đúng đến mức nào để dự báo ít sai lệch. Chúng ta phải tạo ra công cụ quản lý càng sớm càng tốt. Đó chính quy hoạch chi tiết 1/500. Không có quy hoạch chi tiết thì không thể chấm dứt việc tự thoả thuận.

Tuy nhiên, có quy hoạch là điều tiên quyết nhưng ý thức trách nhiệm thực hiện theo quy hoạch cũng là điều vô cùng quan trọng. Quy hoạch tốt mấy mà người ta không thực hiện theo thì cũng không đảm bảo tính bền vững.

* Nhưng một nền kinh tế bền vững không thể chấp nhận tình trạng ;xây dựng quy hoạch mà cái sau lại là sự phủ định của cái trước?

Hầu hết các nước trên thế giới đều đã có Luật Quy hoạch làm công cụ quản lý hàng trăm năm nay. Do đó, trong công tác quy hoạch cái sau là sự kế thừa của cái trước. Còn tại Việt Nam hiện nay quản lý đô thị trong điều kiện Luật Quy hoạch đang trong quá trình nghiên cứu và soạn thảo nên khó tránh được sự thiếu đồng bộ trong lĩnh vực quy hoạch. Quản lý đô thị phải có công cụ và hệ thống pháp lý đi theo đó. Nhưng cả hai điều này chúng ta đều chưa có.

* Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng quy hoạch sử dụng đất tại nước ta hiện nay còn có nhiều mâu thuẫn?

Trên thực tế quy hoạch sử dụng đất ở cấp xã chưa được xác lập đủ do khối lượng công việc nhiều, kinh phí thiếu. Một số ít địa phương thực hiện nhưng không đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị (do cơ quan khác nhau thực hiện, theo các quy trình khác nhau, trên bản đồ khác nhau). Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất đô thị hiện tại chỉ mang tính định hướng, thiếu tính khả thi, chưa phát huy được vai trò quản lý quá trình phát triển đô thị.

Phát triển và tăng trưởng đô thị ở Việt Nam nhìn chung là muộn và chậm so với một số nước trong khu vực. Mức sống của đô thị và nông thôn chênh lệch lớn. Đô thị bị quá tải dồn ép ở tất cả các mặt từ hạ tầng kỹ thuật và cả hạ tầng xã hội. Điển hình là tốc độ mở rộng không gian đô thị đã vượt xa dự báo. Ví dụ nhu cầu đất đô thị đến 2010 dự kiến là: 243.000 héc ta thì thực tế đến cuối năm 2005 đã đạt con số lớn hơn 265.000 héc ta. Và như vậy thì đến năm 2020 không phải chỉ cần 460.000 héc ta đất đô thị mà có khả năng còn gấp đôi con số này.

Nếu tỷ lệ dân số đô thị của Việt Nam hiện nay xấp xỉ 28% thì đến 2020 là 45%, nghĩa là khoảng 50 triệu người là dân đô thị. Dân số hai đô thị lớn là Hà Nội và TPHCM đều trên dưới 10 triệu người. Bộ Xây dựng vừa ban hành Quy chuẩn quy hoạch xây dựng Việt Nam. Ông có cho rằng, quy chuẩn này sẽ là một công cụ hữu hiệu quản lý xây dựng theo quy hoạch tại địa phương?

Ngay cả quy chuẩn này cũng còn có nhiều điểm mâu thuẫn khiến những cái chuẩn cũ đã được triển khai làm sao kịp thời thay đổi để phù hợp với những cái chuẩn mới.

So sánh tỷ lệ giữa giá nhà ở / thu nhập của người dân tại Hà Nội là 10,4 trong khi tỷ lệ này tại Malaysia là 2,88, tại Jakarta (Indonesia) là 9,9 và tại Paris (Pháp) là 4,3. Trong khi đó, nhiều chỉ số phản ánh ô nhiễm môi trường gia tăng, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, chi phí hàng năm cho cảnh quan, các chương trình trồng cây xanh, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, xử lý cải tạo môi trường, giao thông công cộng lại chưa đồng bộ.

Bên cạnh đó, theo quy chuẩn này thì số người sử dụng xe gắn máy tại các đô thị lớn không giảm và rất nhiều tiêu chí khác đã không được thể hiện trong hệ thống tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng đô thị Việt Nam.

Điều này cũng cho thấy, một trong những yêu cầu đặt ra đầu tiên đó là nâng cấp hoàn thiện tiêu chuẩn quy phạm thiết kế xây dựng đô thị theo hướng bền vững. Ở các nước đều có mô hình kiến trúc sư trưởng làm tổng tham mưu trưởng cho thủ đô của họ về các vấn đề quy hoạch. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là một cá nhân có quyền quyết định tất cả.

* Xin cảm ơn ông.

Theo TBKTSG