Theo thống kê chưa chính thức, cả nước có tới hàng ngàn dự án chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Hôm nay, 27/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Nhân dịp này, Dân Việt đã có loạt bài về vấn đề quy hoạch treo, trong đó có chỉ ra: Quy hoạch treo, dự án treo tại nhiều nơi, đặc biệt là TP. Hà Nội và TP.HCM là một trong những vấn đề tồn tại bởi nhiều nguyên nhân. Tồn tại này gây hậu quả vô cùng lớn, ám ảnh người dân và cấp chính quyền trong cách giải quyết.
Đâu cũng thấy dự án treo
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, thành phố còn khoảng 547 dự án "treo" với tổng diện tích hơn 20.000 ha, trong đó không ít dự án đã "treo" hơn 20 năm.
|
Quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa treo hơn 26 năm khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Bùi Yến/PLVN)
Có thể nêu các "siêu dự án" như: dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Ða (quận Bình Thạnh) rộng 426 ha với tổng cộng hơn 3.000 hộ dân sinh sống bị treo 26 năm; dự án Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) rộng 485 ha với hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng treo từ năm 2004; dự án khu đô thị Sing - Việt (huyện Bình Chánh) rộng 331ha với 571 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời treo từ năm 1997 đến nay; dự án khu đô thị Ðại học Quốc tế (huyện Hóc Môn) rộng hơn 900 ha treo gần 20 năm...
Mới đây, tại kỳ họp lần thứ 12 của HÐND TP. HCM, trả lời ý kiến đại biểu về các dự án chậm triển khai, làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố còn khoảng 547 dự án phải thu hồi chủ trương do thực hiện chậm. Hiện, 180 dự án được trình UBND thành phố thu hồi chủ trương thực hiện. Phương án giải quyết của thành phố là sẽ sàng lọc, rà soát tất cả các dự án.
Tương tự, tại TP. Hà Nội, hàng loạt các dự án treo cũng đang tồn tại trên tất cả các quận, huyện. Đáng kể là tại huyện Mê Linh, hiện có 47 dự án khu đô thị (KĐT) và dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích đất khoảng 1.800 ha.
Hơn 10 năm phê duyệt giao đất, dự án Khu nhà ở Văn La vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc hoang.
Trong đó, xã Tiền Phong là nơi tập trung nhiều dự án nhất với gần 20 dự án, như: khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của công ty CP Vinh Sơn trên 60 ha; Khu biệt thự sinh thái Phúc Việt của công ty CP ĐTXD&TM Phúc Việt quy mô 24,3 ha; Khu chung cư cao tầng và nhà ở cho công nhân KCN của công ty CP ĐT-XD số 18 quy mô gần 16 ha; KĐT Minh Giang Đầm Và (2 giai đoạn) của công ty TNHH Minh Giang gần 22 ha; dự án làng hoa Tiền Phong của công ty TNHH Tiền Phong trên 40 ha; Làng Quốc tế Tiền Phong gần 30 ha...
Không chỉ riêng Hà Nội và TP. HCM, thực trạng quy hoạch treo, dự án treo cũng đã và đang tồn tại ở nhiều tỉnh, thành phố có tốc độ đô thị hoá nhanh như: Đà Nẵng, Khánh Hoà, Quảng Ninh, Thanh Hoá…
Hệ lụy lớn nhưng khó giải quyết
Trên thực tế, việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng không hề đơn giản, có dự án lực lượng chức năng phải tổ chức cưỡng chế, nhưng sau khi mặt bằng được bàn giao cho chủ đầu tư lại bỏ không, trong khi người dân rất thiếu đất sản xuất.
Cùng với đó là những dự án giải phóng mặt bằng dở dang, nhưng không có năng lực tài chính để hoàn trả cho dân theo quy định, dẫn đến khiếu nại tố cáo. Việc chậm thực hiện dự án đã tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhiều dự án để hoang hóa trở thành địa điểm hoạt động của các ổ nhóm tiêm chích ma túy, nơi đổ phế thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Trao đổi về vấn đề quy hoạch treo, dự án treo, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Luật Đất đai từ 1993, 2003, 2013 đều quy định nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít.
Cũng theo ông Hà, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ như: Chủ đầu tư không đủ năng lực (tài chính, kinh nghiệm); Thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; Thị trường thay đổi, nếu cứ theo phương án đầu tư cũ trước khi giao đất thì thua lỗ; đặc biệt là do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...
Sau cơn "sốt đất", la liệt dự án bất động sản tại Mê Linh bị bỏ hoang. (Ảnh: I.T)
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng, việc xử lý các dự án “treo” tại Hà Nội cũng như các địa phương khác cần một chế tài phù hợp và kiên quyết hơn.
Trong khi đó, quy định về thời hạn là 24 tháng không sử dụng đất, dự án sẽ bị thu hồi đất và tài sản trên đất như hiện tại là không phù hợp. Bởi Hiến pháp quy định tài sản hình thành hợp pháp đều được Nhà nước bảo hộ không bị quốc hữu. Chủ đầu tư có thể vi phạm khi chưa đưa đất vào sử dụng theo đúng tiến độ, nhưng tài sản của chủ đầu tư được hình thành trên đất đó là hợp pháp.
"Việc giao đất dự án cho các chủ đầu tư theo “quan hệ”, cơ chế xin cho, “nhà đầu tư có quan hệ tốt với chính quyền” thì được giao dự án", GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong trường hợp dự án chậm tiến độ, nhà nước có thể thu hồi đất nhưng nếu tịch thu luôn tài sản đầu tư trên đất là trái với quy định pháp luật, không đúng với Hiến pháp.
Thay thế cho hình thức xử lý này, ông Võ cho rằng “tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư”. Theo cách này, ngân sách nhà nước vừa được lợi rất lớn trong khi đó, nhà đầu tư không có tiền nộp sẽ phải tự tìm cách chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác có năng lực để triển khai.
“Các cơ quan quản lý nên nghiên cứu phương án xử phạt với mức phạt nặng, chậm 1 năm phạt 25% tiền sử dụng đất phải nộp. Nếu như vậy, chủ đầu tư tự khắc họ sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án, nhà nước không phải động chân động tay vào việc thu hồi đất như hiện nay”.
Mặt khác, giải pháp này cũng sẽ giúp hạn chế tối đa các nhà đầu cơ đất, ôm đất đợi thời. Bởi, đầu cơ đất chỉ thực hiện được trong trường hợp trong quá trình giữ đất nhà đầu tư phải nộp ít tiền hoặc không phải nộp tiền. Thị trường bất động sản vì thế sẽ minh bạch và bền vững hơn, vị chuyên gia này nhận định.
Trước đề xuất trên, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đề xuất này.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân việt