Quy hoạch khu vực Hồ Gươm phải phù hợp với nhu cầu của cộng đồng

Cập nhật 10/01/2009 10:50

Giới chức Hà Nội cho rằng việc đập bỏ các công trình xung quanh hồ Gươm dù gây “đau đớn” nhưng nếu đem lại lợi ích tối đa cho số đông thì nên làm.

Những ngày qua, cư dân TP Hà Nội “nóng” lên khi kế hoạch quy hoạch hồ Gươm được khởi động lại bằng cuộc triển lãm các đồ án tham gia cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận” do Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Hội Kiến trúc sư VN và Viện Kiến trúc (Bộ Xây dựng) phối hợp tổ chức. Để làm rõ vấn đề đang gây chú ý này, PV đã phỏng vấn kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN.

* Việc tổ chức lấy ý tưởng quy hoạch hồ Gươm và vùng phụ cận nhằm để quần thể thiên nhiên - di tích lịch sử văn hóa này đẹp hơn đã từng được tổ chức nhưng hồ Gươm vẫn bị “tấn công”. Vậy triển lãm lần này có gì đột phá không, thưa ông?

- Ông Nguyến Tấn Vạn: Theo tôi, trước hết phải xác định hồ Gươm là quần thể có giá trị vô cùng lớn đối với Hà Nội, cả về văn hóa, lịch sử, kiến trúc hoặc khai thác cảnh quan. Hiếm có đô thị nào trên thế giới có “vật báu” như hồ Gươm, đó là niềm tự hào của VN.

Để bảo vệ, bảo tồn và phát huy được các giá trị nói trên, cần chọn ra được những ý tưởng quy hoạch tốt nhất, những giải pháp khả thi nhất cũng như bảo đảm khả năng khai thác chặt chẽ nhất. Bên cạnh đó, không để ai xâm hại cảnh quan của hồ Gươm hoặc gây lãng phí quỹ đất ở khu vực này.

* Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế là hiện có nhiều cơ quan trọng yếu của Hà Nội muốn chiếm lĩnh vị trí quanh hồ Gươm?



- Đúng là có không ít người có quan niệm cơ quan quan trọng phải được bố trí ở những vị trí đẹp. Đây là quan điểm lỗi thời trong công tác quản lý đô thị hiện đại. Vị trí đẹp nhất phải được dành cho cộng đồng chứ không phải của riêng ai.

* Để hồ Gươm đẹp, theo ông, nhất thiết phải đập bỏ những công trình đang “tấn công” khu vực này?

- Đúng là bờ hồ hiện đang bị “tấn công” bởi các công trình. Các ý tưởng triển lãm lần này gặp nhau ở một điểm là mở ra không gian mới thoáng đãng, rộng rãi hơn cho hồ Gươm. Phải nói thật là cuộc cải cách nào cũng gây ra đau đớn. Tất nhiên sẽ có thua thiệt, song nếu đem lại lợi ích tối đa cho số đông thì đó là việc nên làm.

* Các công trình xây dựng xung quanh hồ Gươm đều đặt mục tiêu kinh tế lên trên hết, vậy các ý tưởng quy hoạch lần này được định hướng như thế nào, thưa ông?

- Hồ Gươm rất quý giá, nếu bỏ trống thì quá vô lý. Ví dụ, nếu về ban đêm, quanh hồ tối đen, không một ánh đèn thì hồ sẽ ra sao? Vấn đề là khai thác, sử dụng thế nào cho phù hợp với nhu cầu của cộng đồng, đặt lợi ích cộng đồng lên vị trí cao nhất. Điều quan trọng là tuyệt đối không được can thiệp thô bạo vào không gian hồ Gươm.

* UBND TP Hà Nội có bảo đảm biến các ý tưởng trở thành quy hoạch chính thức trong tương lai không?

- Triển lãm sẽ thu nhận sự đóng góp của nhân dân, các chuyên gia, sau đó chúng tôi sẽ họp để chất vấn, xem xét các ý tưởng quy hoạch hồ Gươm và phụ cận, chọn ra được đồ án có ý tưởng tốt nhất. Từ đồ án này, Hà Nội sẽ xem xét phê duyệt quy hoạch hồ Gươm và phụ cận. Trong đó, sẽ làm rõ việc phải ứng xử với không gian hồ Gươm ra sao để thích ứng với tình hình hiện tại. Chắc chắn, không gian ấy sẽ được sử dụng phải an toàn hơn, đúng với giá trị vốn có chứ không thể duy trì như hiện tại.

Trưng cầu ý dân đến ngày 15-1

Triển lãm các đồ án tham gia cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận” (tổ chức tại Bảo tàng Cách mạng VN ở Hà Nội hôm 8-1) quy tụ 9 đồ án quy hoạch (3 đồ án của các chuyên gia nước ngoài, 2 đồ án của các liên danh và 4 đồ án của chuyên gia trong nước) trưng bày. Theo ban tổ chức, đây là cuộc thi có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển Hà Nội trong thời gian tới. Triển lãm kéo dài đến ngày 15-1. Người dân đến tham quan miễn phí và đóng góp ý kiến trong giờ hành chính.

Các ý kiến đóng góp của nhân dân và giới chuyên môn sẽ được tổng hợp lại, xem xét thận trọng để hội đồng chấm thi và chính quyền TP Hà Nội lựa chọn, đưa ra quyết định cuối cùng.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động