Ngày 2-4, UBND TP.HCM đã có kiến nghị thủ tướng chính phủ về một số nội dung cần điều chỉnh trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố đến năm 2020. Trong đó, điểm tranh luận gay gắt nhất giữa thành phố và bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn là có nên di dời ga Hòa Hưng hiện hữu không.
Bộ GTVT: cản quyết liệt
Trước đó, thủ tướng đã đồng ý nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia và đường sắt cao tốc theo kiến nghị của thành phố. Tuy nhiên, tháng 3.2008, bộ GTVT có văn bản không đồng ý điều chỉnh dời ga đường sắt cao tốc bắc nam từ Thủ Thiêm ra Suối Tiên. Bộ cũng không đồng ý cho di dời ga Hòa Hưng và điều chỉnh quy hoạch tuyến xuyên tâm đường sắt quốc gia đi qua nội thị thành phố (tuyến Bình Triệu - Hòa Hưng - Đường 3-2 - Tân Kiên) thành đường sắt đô thị.
Theo bộ, chọn vị trí ga cuối cùng của tuyến đường sắt cao tốc bắc nam phải là ga Thủ Thiêm vì Thủ Thiêm là trung tâm đô thị mới, có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, dân cư tập trung với mật độ cao. Nhà ga đường sắt cao tốc tại đây sẽ thỏa mãn các tiêu chí lựa chọn ga trung tâm và có hiệu quả tốt nhất.
Với ga Hòa Hưng, bộ đề nghị giữ nguyên vị trí ga và sẽ xây đường sắt trên cao hoặc ngầm. Bởi Hòa Hưng là ga trung tâm đường sắt liên tỉnh và đường sắt nội - ngoại ô, nếu di dời gặp nhiều khó khăn vì vị trí ga mới không đáp ứng các tiêu chí cơ bản của ga trung tâm đô thị. Mặt khác, ga mới theo kiến nghị của thành phố lại nằm trên đất Bình Dương, nơi chưa được xác định quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Việc di dời cũng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.
Theo bộ, việc điều chỉnh quy hoạch đường sắt theo quan điểm của thành phố sẽ làm thay đổi toàn bộ quy hoạch tổng thể phát triển ngành đường sắt, đặc biệt là mạng đường sắt quốc gia khu đầu mối TP.HCM cũng như các quy hoạch liên quan của vùng. Về lâu dài sẽ tác động mạnh theo hướng tiêu cực đến tổ chức giao thông công cộng của thành phố và làm suy giảm vai trò của đường sắt trong hoạt động vận tải.
TP.HCM: giữ nguyên quan điểm
Trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã xác định sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt thống nhất (đoạn Trảng Bom - Bình Triệu và Bình Triệu - Hòa Hưng), trong đó chuyển chức năng Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt đô thị. Xây mới ga trong khu đầu mối đường sắt, chuyển chức năng hai ga hiện hữu (Bình Triệu và Hòa Hưng) thành ga nội đô, xây mới ga Thủ Thiêm thành ga đường sắt đô thị.
Di dời ga Hòa Hưng và Bình Triệu về ga Dĩ An do hiện ga Dĩ An đã kết nối các tuyến đường sắt TP.HCM - Tham Lương - Lộc Ninh - Campuchia và tuyến TP.HCM đi miền tây nam bộ. Các tuyến đường sắt cũ, thành phố sẽ sử dụng để xây tuyến monorail.
Thành phố giữ nguyên quan điểm điều chỉnh quy hoạch đường sắt. Bởi lẽ, việc điều chỉnh quy hoạch phải được đánh giá tổng thể trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố và quy hoạch vùng TP.HCM.
Với kiến nghị điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia kết thúc tại ga ngoại vi thành phố, thành phố cho biết không quy hoạch xây mới ga Thủ Thiêm thuộc tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang tại quận 2 mà điều chỉnh đưa về ga Suối Tiên quận 9 - nơi đang được xây ga metro cuối tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và bến xe Miền Đông mới.