TPHCM, một đô thị lớn nhất nước hiện có đến gần 10 quy hoạch liên quan đến phát triển đô thị như: quy hoạch chung (và chi tiết) xây dựng, quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất… tuy nhiên, trong lập và quản lý các quy hoạch liên quan đến phát triển đô thị đã phát sinh nhiều vướng mắc trong quản lý và gây khó khăn cho người dân.
Xây dựng đợi giao thông
Một cán bộ phòng quản lý đô thị quận Thủ Đức cho biết ngành chức năng nói các địa phương làm quy hoạch chi tiết 1/2000 xây dựng đô thị chậm. Điều đó không sai, nhưng muốn nhanh cũng khó, vì các quy hoạch ngành khác, đặc biệt quy hoạch giao thông tuy đã có nhưng mới là quy hoạch chung… làm sao tích hợp được với quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị?
Với một quận có tốc độ đô thị hóa cao như quận Thủ Đức, theo quy hoạch phát triển giao thông đến 2025 sẽ có hàng loạt con đường đi qua, nếu quy hoạch giao thông không được làm rõ để quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị có cơ sở tính toán phân bố dân cư, nhà cửa… thì sẽ rất khó cho những người làm quy hoạch này.
Quy hoạch giao thông thường làm khó nhiều quy hoạch khác. (Trong ảnh: Một góc nút giao thông Cát Lái, quận 2, TPHCM). Ảnh: Cao Thăng. |
Trong nhiều cuộc họp kiểm điểm tiến độ lập quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, nhiều quận, huyện đã có ý kiến về vấn đề quy hoạch giao thông. Lãnh đạo TP đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (Tedi South) - tư vấn lập quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM, nhanh chóng làm rõ các vướng mắc các quận, huyện nêu. Song tiến độ cũng không khá hơn bao nhiêu.
Nhưng không chỉ có ngành chức năng mới khổ vì tình trạng quy hoạch… đợi quy hoạch, người dân cũng bị vạ lây vì điều này. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết người bạn ông có mảnh đất ở ngay ngã tư một trục đường lớn của TP, có nhu cầu xây nhà nhưng không thể xin được giấy phép xây dựng vì ngã tư đã được quy hoạch mở rộng và tổ chức lại giao thông. Địa phương bảo phải chờ… đến khi quy hoạch giao thông được cụ thể hóa (sẽ mở rộng như thế nào, bao nhiêu mét)… vì nếu không có cơ sở này, không biết cấp phép xây dựng ra sao. Tuy nhiên, chờ đến bao giờ không ai trả lời được.
Đợi mãi sốt ruột, chủ nhà đã chủ động gặp đơn vị tư vấn giao thông, đặt vấn đề cụ thể hóa giùm nút giao thông này. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa cho biết, người bạn đã đạt được điều mình mong muốn sau khi trả một khoản phí cho đơn vị tư vấn. Vậy với những người không có tiền thuê tư vấn, không biết họ phải đợi bao lâu?
Quy hoạch cắt khúc
Trong bài tham luận tại Hội thảo Phát triển đô thị bền vững do UBND TPHCM tổ chức, PGS-TS Trần Thị Thu Lương, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM, nhận định: Cơ chế quản lý chia cắt không đồng bộ đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của quy hoạch đô thị. Hiện nay có ít nhất ba bộ quản lý nhà nước thực hiện quản lý ba loại quy hoạch trên cùng một mặt bằng quản lý đất đai của đô thị.
Bộ Tài nguyên - Môi trường quản lý đất đô thị với tư cách đất đai là tài nguyên và phải quy hoạch sử dụng đất để thực hiện chức năng quản lý đất đai. Quy hoạch này thể hiện sự phân bổ, điều tiết việc sử dụng tài nguyên đất vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp… phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng các quy hoạch ngành. Việc này lại do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Do vậy, quy hoạch sử dụng đất gần như chỉ có tính chất tham khảo đối với các quy hoạch ngành.
Tương tự, cùng trên mặt bằng đất đai đô thị còn có quy hoạch xây dựng phát triển đô thị do Bộ Xây dựng lập và quản lý. Quy hoạch xây dựng bao gồm việc sử dụng đất đai để đảm bảo phân bố các khu dân cư, công trình công cộng, khu sản xuất công nghiệp… Chưa hết, trên một mặt bằng đất đô thị còn có quy hoạch giao thông. Quy hoạch giao thông sẽ căn cứ vào yêu cầu phát triển đô thị để hình thành mạng lưới đường sá. Thế nhưng, quy hoạch xây dựng đô thị phải coi quy hoạch giao thông là khung xương, hình thành nên đô thị.
Quy hoạch giao thông do Bộ Giao thông Vận tải lập và quản lý. Về nguyên tắc, các quy hoạch này phải gắn kết với nhau rất chặt chẽ. Nhưng trên thực tế do nhiều nguyên nhân chúng đang vênh nhau. Trong khi nhiều quận, huyện đang nóng lòng có được quy hoạch chi tiết của ngành giao thông để sớm tích hợp vào quy hoạch chi tiết phát triển đô thị nhưng ngành giao thông phải đợi có kinh phí mới làm. Điều này thể hiện sự bất cập trong quản lý quy hoạch của các ban ngành chức năng.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng